Tư pháp Mỹ cũng chia rẽ vì NSA

Bất đồng về những phán quyết của các tòa án liên quan đến chương trình do thám điện tử bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) dẫn đến khả năng Tòa án tối cao Mỹ phải can thiệp để giải quyết. Người Mỹ liệu sẽ vì lợi ích quốc gia hay sẽ vì sự tôn trọng quyền tự do riêng tư trong cuộc chiến bảo mật thông tin này?
Tư pháp Mỹ cũng chia rẽ vì NSA

Bất đồng về những phán quyết của các tòa án liên quan đến chương trình do thám điện tử bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) dẫn đến khả năng Tòa án tối cao Mỹ phải can thiệp để giải quyết. Người Mỹ liệu sẽ vì lợi ích quốc gia hay sẽ vì sự tôn trọng quyền tự do riêng tư trong cuộc chiến bảo mật thông tin này?

        Tranh cãi gay gắt

Reuters ngày 28-12 đưa tin, thẩm phán liên bang William Pauley thuộc quận Manhattan (New York) đã khẳng định việc NSA theo dõi hàng triệu điện thoại, tin nhắn của người dân Mỹ là hợp pháp. Nó không xâm phạm quyền tự do cá nhân của người dân. Phán quyết trên trái ngược hẳn với đánh giá của thẩm phán liên bang Richard Leon ở Washington được đưa ra hồi giữa tháng này.

Hồ sơ phán quyết dày 54 trang được thẩm phán William Pauley công bố đã bác bỏ đơn kiện của Tổ chức Bảo vệ quyền dân sự của người Mỹ (ACLU) cho rằng, NSA đã làm trái Tu chính án thứ tư (phần sửa đổi Hiến pháp Mỹ). ACLU phản đối phán quyết của thẩm phán William Pauley và cho biết họ sẽ kháng cáo lên tòa án thứ hai ở New York.

Theo tuyên bố của thẩm phán quận Manhattan, việc do thám của NSA là hợp pháp.

Theo tuyên bố của thẩm phán quận Manhattan, việc do thám của NSA là hợp pháp.

Trong phán quyết, thẩm phán Pauley đã liên hệ đến vụ khủng bố 11-9-2001 làm 3.000 người thiệt mạng và khẳng định, những chương trình do thám NSA thực hiện chỉ với mục đích duy nhất là không để lặp lại thảm kịch trên. Phán quyết có đoạn: “Chúng ta buộc phải chọn sử dụng công cụ có thể bị cho là lỗ mãng này chỉ vì nó có thể thu thập mọi thứ. Trong khi lực lượng khủng bố Al Qaeda dùng các thiết bị hiện đại để thực hiện đánh bom khủng bố từ xa thì Chính phủ Mỹ phải can thiệp bằng mọi cách”. Tuy nhiên, trước đó, ACLU từng đưa ra lập luận cáo buộc chương trình theo dõi của chính phủ đã vượt quá quyền hạn theo quy định tại mục 215 của Đạo luật yêu nước. Hơn nữa, NSA không đưa ra được bằng chứng phát hiện khủng bố nào từ chi tiết tin nhắn, cuộc gọi được theo dõi.

Xuất hiện trên kênh truyền hình Channel-4 của Anh (quay hình ở Nga) đầu tuần qua, cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người tạo “quả bom” dư luận khi công bố hồ sơ do thám của Mỹ, đã khẳng định mình thực hiện được sứ mệnh quan trọng. Điều mà Snowden tự hào là mang đến cho mọi người một cơ hội để nhận biết nguy cơ bị theo dõi, từ đó quyết định cách thức thay đổi. Nhưng với Chính phủ Mỹ, hành động của Snowden sẽ làm tổn hại lợi ích quốc gia.

Nhằm thể hiện quyết tâm loại bỏ sự giám sát của NSA, tập đoàn Mozilla, Electronic Frontier Foundation (EFF) - một tổ chức bảo vệ quyền tự do trên Internet, ACLU và một số tổ chức khác đã lập nên trang web StopWatching.Us. Đến nay, StopWatching.Us đã kêu gọi được sự tham gia của The Internet Archive, World Wide Web Foundation, Free Press, Tổ chức Hòa bình xanh và của Hiệp hội Thư viện Mỹ ALA.

        Ưu tiên an ninh quốc gia?

Ngày 18-12 vừa qua, 193 thành viên Đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt hoạt động do thám điện tử. Nghị quyết do Đức và Brazil soạn thảo tuy không đề cập tới quốc gia cụ thể nào, nhưng được đệ trình sau khi thông tin nhạy cảm liên quan đến NSA bị công bố. Mỹ cũng đã ủng hộ nghị quyết không mang tính ràng buộc trên. Dù vậy, để bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước truyền thông cho biết, ông vẫn ủng hộ hoạt động do thám của NSA. Bên cạnh đó, chính quyền Washington sẽ có những cải cách, cân nhắc liệu có nên chuyển giao quyền kiểm soát siêu dữ liệu sang các công ty viễn thông hay không.

Năm quan chức cấp cao bị nêu đích danh trong đơn kiện của ACLU là: Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia James Clapper, Giám đốc NSA Keith Alexander, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ Robert Mueller. Họ đồng loạt khẳng định hài lòng với phán quyết của thẩm phán Pauley. Theo họ, lợi ích quốc gia, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ. Nghị sĩ Peter King, cựu Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa tại Hạ viện, đồng thời cũng là ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng ủng hộ phán quyết của thẩm phán Pauley. Ông cho rằng phán quyết trên đã bảo vệ vũ khí sống còn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục