Không phải lần đầu và chắc chắn cũng không phải lần cuối, những tin đồn tràn lan trên mạng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân trên cả nước, dù là chốn đô thị sầm uất nhất hay vùng thôn quê hẻo lánh.
Có thể nói, chưa bao giờ mà mặt trái của sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin được thấy rõ như hiện nay. Những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc máy tính bảng mạnh mẽ, hệ thống kết nối hữu tuyến, vô tuyến vô cùng nhanh chóng và thuận lợi, đem đến cho chúng ta sự gắn kết về thông tin ở mọi nơi, mọi thời điểm. Khoảng cách địa lý hầu như không còn tồn tại trong việc thông tin.
Vài năm trở lại đây, những tin đồn xuất hiện trên mạng internet không phải là chuyện lạ ở nước ta. Từ những việc nhỏ như bắt được con thú nào đấy được đồn thổi là “thú biến dị”, “siêu hiếm”… đến những chuyện ảnh hưởng danh dự cá nhân như hoa hậu ngủ với trai 16 tuổi, bố chồng nàng dâu… Điểm chung nhất giữa các tin đồn này là tính thiếu xác thực, cách quen thuộc nhất là “nguồn tin từ nội bộ”, “theo thông tin có được”, “một người trong cuộc tiết lộ…”.
Và nếu vô tình sự kiện diễn ra đúng theo hướng đó thì những kẻ tung tin đồn sẽ nhảy dựng lên và gào thét kiểu “thấy chưa, chúng tôi đã nói mà”. Còn nếu mọi chuyện không đúng thì những kẻ tung tin đồn chỉ đơn giản là im lặng, làm lơ trước mọi lời bắt bẻ để rồi vài ngày sau lại tung ra các tin đồn mới. Điều đáng trách là những kẻ tung ra tin đồn hầu như không quan tâm đến hệ quả mà những lời bịa đặt của họ có thể gây ra cho xã hội.
Giữa lúc thế giới đang căng thẳng với dịch bệnh Ebola, mọi thông tin về căn bệnh này đều có thể dễ dàng gây ra rối loạn xã hội thì một cặp vợ chồng lại thản nhiên tung ra thông tin “Ebola đã đến” và chứng minh tính chính xác bằng tiết lộ “từ một người thân làm bác sĩ trong bệnh viện”. Đến khi cơ quan công an vào cuộc, bắt giữ thì họ mới thừa nhận là chẳng quen ai trong bệnh viện cả, chỉ đưa tin để thu hút người đọc nhằm tạo sự chú ý của dư luận.
Những tin đồn kiểu như thế còn được một số cơ quan truyền thông mạng do thiếu nghiệp vụ báo chí, thiếu trách nhiệm đã góp phần làm cho thông tin càng trở nên “chân thật”. Chẳng hạn như ở một vùng nọ, người dân bắt được con chim lạ, chưa thấy bao giờ, nhiều người tò mò kéo về xem. Một số cơ quan truyền thông mạng vội rầm rộ đưa tin “chim lạ xuất hiện”, “loài vật chưa từng thấy”… trong khi đây thực tế là một loài chim hết sức bình thường ở một địa phương khác, tình cờ sổng ra trên đường vận chuyển. Chỉ cần tham vấn một nhà nghiên cứu về động vật là có thể có câu trả lời ngay lập tức nhưng những đơn vị này vẫn cố ý đưa ra các thông tin ly kỳ nhằm thu hút người đọc, khiến cuộc sống người dân nơi bắt được chim bị xáo trộn, công việc đình trệ do quá nhiều người đến xem.
Chưa hết, có trường hợp tung tin đồn sai sự thật, bôi xấu cá nhân dẫn đến người bị hại không chịu nổi phải tự tử, có trường hợp tin đồn gây rối loạn thị trường kinh tế, thiệt hại nặng nề cho những người kinh doanh chân chính.
Nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt đã bị xử lý nhưng thực tế không thể ngăn chặn hết các tin đồn. Nhà nước ta chủ trương mở rộng cửa, tự do thông tin, tự do ngôn luận, không tiến hành ngăn chặn hay cấm đoán các hoạt động truyền thông mạng trừ khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một cơ chế tự phòng vệ trước các thông tin không chính thức là điều nên có đối với mọi người khi tiếp xúc với các tin đồn.
Bình tĩnh trước các thông tin chưa được kiểm chứng, tỉnh táo phán đoán những thông tin mơ hồ, không có nguồn gốc là liều thuốc quan trọng nhất giúp chúng ta không vô tình tự biến mình thành công cụ cho những âm mưu thâm độc mà tác hại của nó có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống chính mỗi người, thậm chí là đến những người xung quanh.
Tường Vy