Kịp thời hỗ trợ người bị nạn
Thấy có người va quẹt xe bị thương ngay trước cửa nhà, ông Ngô Văn Hai (ngụ 21 Dã Nam, phường 2, quận 8) vội ra đỡ người bị nạn vào lề, rồi chạy lại tủ sơ cấp cứu gần đó lấy bông, gạc, cồn để lau rửa vết thương, băng bó tạm trước khi đưa vào cơ sở y tế gần nhất. Gần 1 năm nay, ông Tân đã sơ cấp cứu không biết bao nhiêu trường hợp như thế.
Chỉ vào tủ sơ cấp cứu gắn tại giao lộ Phạm Thế Hiển - Dạ Nam, ông Tân cho biết: “Cái tủ chút xíu vậy mà hữu ích lắm! Đoạn đường này hẹp, xe cộ đi lại đông đúc nên thường xuyên xảy ra va quẹt, ngày trước thấy người bị nạn, chúng tôi chỉ đỡ dậy rồi để họ tự xử lý, nhưng bây giờ thì khác rồi, có đầy đủ đồ nghề để sơ cứu nên dù có đang bận bịu tôi cũng nán lại giúp người bị nạn rửa vết thương, băng bó, sau đó nặng nhẹ thế nào thì tính tiếp”.
Là người trực tiếp quản lý tủ sơ cấp cứu gắn tại trụ sở ban điều hành khu phố, ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng ban điều hành khu phố 1 (phường 2, quận 8), kể: “Từ khi có tủ này, mọi người có trách nhiệm với những nạn nhân bị tai nạn giao thông hơn trước, không còn thờ ơ khi gặp người bị nạn. Ngoài chức năng hỗ trợ kịp thời người bị tai nạn giao thông, tủ sơ cấp cứu cũng là nơi để người dân xung quanh khi bị thương hoặc trầy xước có thể tới lấy cồn, bông gạc để xử lý vết thương”.
Anh Trần Việt Tuấn, Chánh văn phòng Hội CTĐ quận 8, cho biết: “Hồi tháng 9-2017, Hội CTĐ quận 8 ra quân lắp đặt 40 tủ sơ cấp cứu tại 40 điểm trên những tuyến đường thường xuyên xảy ra va quẹt xe. Tủ sơ cấp cứu được trang bị bông gòn, gạc, oxy già, cồn, cồn iốt, nước muối sinh lý, băng tam giác treo tay, băng cuộn, găng tay, băng keo cá nhân, băng keo lụa, được lắp đặt tại những vị trí cách xa nhà thuốc hoặc cơ sở y tế từ 500 - 1.000m. Từ khi lắp đặt tủ sơ cấp cứu, chúng tôi thấy rõ hiệu quả khi có những cuộc điện thoại của người bị nạn nhờ hỗ trợ trong đêm, và nhiều người bị nạn được người dân trợ giúp đã gửi lời cảm ơn tới hội. Nhờ vậy mà ngoài những đợt kiểm tra, bổ sung hoặc thay thế thiết bị sơ cấp cứu định kỳ 4 tháng/lần, nhiều người dân cũng tình nguyện bổ sung thêm bông, băng, gạc vào tủ để luôn đảm bảo có vật dụng hỗ trợ người gặp nạn”.
Lan tỏa mô hình tủ sơ cấp cứu cộng đồng
Ngoài 40 tủ lắp đặt từ năm 2017 và 108 túi sơ cấp cứu di động được Hội CTĐ TPHCM tặng cho các chi hội CTĐ ở các tổ dân phố, hiện Hội CTĐ quận 8 đang lắp thêm 20 tủ ở tuyến đường Hưng Phú, đồng thời nghiên cứu nhân rộng mô hình này ở các tuyến đường chính trên địa bàn quận và khu dân cư. Để người dân biết cách sử dụng các vật dụng trong tủ sơ cấp cứu và hỗ trợ người bị nạn đúng cách, Hội CTĐ phường, quận thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân gần khu vực lắp đặt tủ. Ngay trên tủ sơ cấp cứu còn có số điện thoại của đại diện Hội CTĐ, số của đội sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa của phường, nhằm giúp người bị nạn có thể gọi điện thoại để được hỗ trợ bất kể khi nào. Người dân cho rằng tủ sơ cấp cứu hữu dụng và rất cần thiết, nhất là ban đêm, khi các nhà thuốc, cơ sở y tế đã đóng cửa thì người bị nạn vẫn có thể tìm được dụng cụ sơ cấp cứu tại các tủ này.
Để đảm bảo công tác sơ cấp cứu và hỗ trợ người bị nạn kịp thời và có kỹ năng, Hội CTĐ TPHCM luôn chú trọng tập huấn cho lực lượng sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa tại các phường, quận. Hiện toàn thành phố có 24 đội sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa cấp quận - huyện; 319 đội cấp phường - xã - thị trấn và 775 điểm sơ cấp cứu trong cộng đồng dân cư. Năm 2017, các đội sơ cấp cứu đã hỗ trợ 2.690 trường hợp tai nạn và chuyển 371 trường hợp đến bệnh viện. |
Từ mô hình đó, Hội CTĐ một số quận đã cải tiến thành các tủ sơ cấp cứu để gắn cố định trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, nhiều đơn vị, tổ chức cũng đã phát triển mô hình này, làm quà tặng người dân vùng sâu vùng xa dưới hình thức hộp sơ cấp cứu 4 tầng với hàng chục vật dụng đủ để sơ cấp cứu cho khoảng 10 người.