Từ “thí nghiệm chính sách” đến đầu tàu thương mại

Từ “thí nghiệm chính sách” đến đầu tàu thương mại

Ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa, sau 20 năm với những nỗ lực không ngừng, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã khẳng định sự thành công của một mô hình đổi mới kinh tế. Thương hiệu Satra hiện có một vị xứng đáng trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng, xứng tầm là đầu tàu thương mại của TPHCM và cả nước.

Từ “phòng thí nghiệm chính sách”

Satra được thành lập vào ngày 2-11-1995 theo Quyết định 7472 của UBND TPHCM (trên tinh thần triển khai Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ), với 27 đơn vị thành viên và vốn điều lệ 893,55 tỷ đồng. Được kỳ vọng là một bước tiến dài về tư duy nhưng trong quá trình triển khai, Quyết định 90 vẫn bộc lộ hạn chế. Tổng công ty chỉ được phép “kinh doanh qua các đơn vị thành viên” thay vì “kinh doanh trực tiếp” chính là nút thắt, chưa thoát khỏi dáng dấp của thời kỳ bao cấp. Hệ quả là, dù Satra đang ngồi trên đống tài sản nhưng lại khát tiền mặt trầm trọng.

Siêu thị và cửa hàng tiện lợi, một trong những thế mạnh của Satra Ảnh: MINH SĨ

Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo Satra, cụ thể là Tổng Giám đốc đầu tiên Đỗ Hoàng Hải đã mạnh dạn đề xuất Bộ Tài chính cho phép bán tài sản nhà nước để rót tiền vào các đơn vị thành viên, thông qua hình thức cổ phần. Việc trở thành cổ đông là cơ sở để Satra bớt lệ thuộc vào các đơn vị thành viên. Quyền điều động về nhân sự và tài sản của các đơn vị mâu thuẫn với chủ trương tách quản lý nhà nước khỏi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Mô hình kinh tế tập trung bao cấp đổ vỡ, không có nghĩa là người ta dễ dàng chấp nhận cái mới. Những chuyển động ở Satra trong thời kỳ đầu gắn liền với thay đổi về cơ chế, chính sách đối với mô hình Tổng công ty 90. Và chính Satra được xem như “phòng thí nghiệm chính sách” từ sự đấu tranh của thế hệ lãnh đạo thứ nhất, góp phần không nhỏ cho thế hệ tiếp theo có được quyền kinh doanh trực tiếp. Tự kinh doanh chính là cơ hội để tự chủ!

Năm 2001, siêu thị Sài Gòn khai trương từ số vốn ít ỏi ban đầu, được trích từ lợi nhuận góp vốn tại các DN thành viên. Hiệu quả kinh doanh của siêu thị Sài Gòn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho Satra, còn là bằng chứng thuyết phục những nhà hoạch định mạnh dạn điều chỉnh chính sách phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Từ đây, tổng công ty thương mại mới chính thức được làm thương mại. Theo đó, Satra cũng đấu tranh mạnh mẽ để giữ lại Thương xá Tax, khi mà lãnh đạo TP có ý kiến để cho đơn vị khác khai thác. Những năm tiếp theo, Satra tiếp tục bung ra mạnh mẽ, bằng việc liên doanh với các đối tác nước ngoài. Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) là một trong những liên doanh hiệu quả nhất trong hệ thống Heineken trên toàn cầu. Trong bối cảnh không ít liên doanh tại Việt Nam bị đối tác nước ngoài thâu tóm theo kịch bản thua lỗ triền miên, việc Satra bảo toàn vốn và bảo đảm lợi nhuận, trở thành điển hình thành công trong liên doanh. Phần lợi nhuận hàng năm được bổ sung vào quỹ của Satra để tái đầu tư và hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên phát triển.

Đến tầm vóc một tập đoàn kinh tế chủ lực

Thành quả của Satra gắn với việc không ngừng chuyển đổi mô hình hoạt động từ DN nhà nước giữ vai trò quản lý kinh doanh sang DN nhà nước hoạt động theo hình thức “công ty mẹ - công ty con”, được trực tiếp thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính vào năm 2005. Đến năm 2010, Satra chuyển đổi lần thứ hai thành Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức “công ty mẹ - công ty con” với 78 đơn vị thành viên, vốn điều lệ nâng lên thành 3.600 tỷ đồng. Kể từ đây, hoạt động của Satra bước sang giai đoạn mới, để lại dấu ấn mạnh mẽ qua việc triển khai có hiệu quả phương án sắp xếp mặt bằng và xây dựng hệ thống siêu thị, chợ, TTTM, cửa hàng tiện ích.

Tổng công ty đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hệ thống bán lẻ. Năm 2011, 3 cửa hàng đầu tiên trong chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFood đi vào hoạt động; năm 2012 khánh thành trung tâm thương mại Satra Phạm Hùng; năm 2013 mở văn phòng đại diện tại Myanmar, khai trương kho lạnh Satra sức chứa 22.000 pallet và là hạng mục quan trọng  trong dự án Trung tâm thương mại Bình Điền của Satra - chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất nước đưa vào sử dụng năm 2006 trên diện tích 65ha. Chỉ sau 5 năm, Satra đã phát triển chuỗi 65 cửa hàng SatraFood, trở thành đối thủ đáng gờm trên thị trường bán lẻ. Ngoài ra, Satra đang tập trung phát triển các loại hình kinh doanh mới về lĩnh vực ăn uống và ẩm thực như cửa hàng Satra Bakery & Café, nhà hàng Hi Salad…

Tính chung giai đoạn 2010-2015, ngoài việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nội địa, Satra còn đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ và nhiều dự án khác với tổng kinh phí trên 25.000 tỷ đồng. Việc đầu tư vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa cho hệ thống các DN thuộc tổng công ty (trong đó nổi bật là các mặt hàng chủ lực như gạo chất lượng cao, thịt gia súc, thực phẩm công nghệ, nhiên liệu…) vừa thực hiện đúng chủ trương của UBND TPHCM về xây dựng kênh mua sắm văn minh, hiện đại phục vụ nhu cầu người dân về các mặt hàng thiết yếu, chất lượng đảm bảo và giá cả ổn định. Các thương hiệu của Satra như Satramart, SatraFood, Satra Bakery & Café, Satra Foodcourt, Centre Mall… đã tạo được chỗ đứng trên thị trường và người tiêu dùng TP.

Hiểu rõ thế mạnh của mình so với các hệ thống bán lẻ khác, Satra tiếp tục đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong hệ thống và với các tỉnh, thành như đầu tư nhà máy xay xát có quy trình hiện đại ở Đồng Tháp để xuất khẩu gạo, liên kết với An Giang và Tiền Giang để phát triển rau củ và thịt gia súc… mang đến lợi ích kép, đảm bảo đầu ra cho nông sản và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng. Bằng giải pháp tái cơ cấu hoạt động kinh doanh nhắm tới hiệu quả, Satra đã thực hiện được mục tiêu phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, đó là tập trung ngành nghề kinh doanh chính đã mang lại doanh thu hiện chiếm hơn 90% doanh thu của tổng công ty.

Tại Đại hội Đảng bộ Satra nhiệm kỳ 2015-2020, bà Lê Minh Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Satra cho biết, mục tiêu 5 năm tới là kế thừa và hoàn thiện thành quả đạt được, tạo động lực phát triển toàn diện và bền vững với chỉ tiêu về doanh thu tăng trưởng hơn 15%/năm, tăng trưởng lợi nhuận hơn 10%/năm. Để đạt được kết quả này, Satra đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực và xem đây là yếu tố quyết định đến sự phát triển và thành công của Satra. Thành công của DN không thể tách rời nền tảng, giá trị cốt lõi của DN, do vậy Satra sẽ chú trọng xây dựng bản sắc riêng, dựa trên các tiêu chí “Trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, minh bạch và liên kết cùng phát triển”.

20 năm là khoảng thời gian chưa dày, nhưng lại đủ dài để nhìn nhận và đánh giá một mô hình nhà nước đặc thù. Những thành quả từ Satra mang lại gắn liền với sự chòi đạp, đổi thay về tư duy trong quá trình kinh tế đất nước chuyển hướng theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Hiện tại, Satra đã và đang trang bị cho mình đầy đủ những yếu tố cần và đủ để tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh và phát triển DN, đặc biệt là khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu toàn tổng công ty đạt 34.711 tỷ đồng, bằng 75,8% kế hoạch năm, tăng 12,1% so cùng kỳ; lợi nhuận đạt 5.995 tỷ đồng, đạt 83,3% kế hoạch, tăng 32,7% so cùng kỳ.

14 năm qua, Satra là đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, gồm 5 nhóm hàng thiết yếu là gạo, thực phẩm chế biến, đường, dầu ăn và thịt gia súc.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục