Tư tưởng Các Mác mãi ngời sáng

Ngày 5-5-1818 tại thành phố Trier thuộc miền Tây nước Đức đã sinh ra một con người mà tên tuổi, sự nghiệp đã đi vào lịch sử nhân loại - Các Mác.
Tư tưởng Các Mác mãi ngời sáng

Ngày 5-5-1818 tại thành phố Trier thuộc miền Tây nước Đức đã sinh ra một con người mà tên tuổi, sự nghiệp đã đi vào lịch sử nhân loại - Các Mác.

Cùng với Ăngghen, Các Mác là người sáng lập hàng đầu chủ nghĩa cộng sản khoa học. Lênin đã đánh giá học thuyết của Mác là một học thuyết cách mạng và khoa học, nó trang bị cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức toàn thế giới những nguyên lý cơ bản và phương pháp đấu tranh để giải phóng khỏi chế độ tư bản, vững bước tiến lên xây dựng thành công CNXH.

Chủ nghĩa Mác với mục tiêu cao nhất là giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng con người, giải phóng nhân loại thoát khỏi sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới - XHCN tiến tới xã hội cộng sản. Cho đến nay, chưa có học thuyết nào chỉ rõ con đường giải phóng giai cấp, giải phóng con người như chủ nghĩa Mác.

Nhờ phương pháp luận và thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có thể tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới; đó là giai cấp vô sản. Mác và Ăngghen chỉ ra cho giai cấp vô sản, trước hết phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới - chế độ cộng sản chủ nghĩa.

Mác và Ăngghen thường nói, học thuyết của hai ông không phải là giáo điều, mà là kim chỉ nam cho hành động. Lênin là người thừa kế sự nghiệp của Mác và Ăngghen, đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản, thành chủ nghĩa Mác-Lênin, đỉnh cao của trí tuệ loài người.

Trong những năm tháng khó khăn gian khổ đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cách mạng Việt Nam đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi tỏ con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn là ngọn đuốc soi đường cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và tiến hành xây dựng CNXH trên quy mô cả nước; đặc biệt những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới ở nước ta trong hơn 20 năm qua là minh chứng sinh động về sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Những năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Các thế lực thù địch ra sức bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin. Thế nhưng, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn thu hút trái tim, khối óc của hàng triệu nhân dân lao động trên toàn thế giới. Đấu tranh chống áp bức, bất công, chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Dù đường đi còn lâu dài, có những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra. 

TÔ PHƯƠNG  

Karl Heinrich Marx (Các Mác) xuất thân từ gia đình phong lưu, cha là luật sư Heinrich Marx. Tháng 4-1841, khi mới 23 tuổi, C. Mác nhận được bằng Tiến sĩ triết học. Tháng 9-1844, Mác gặp Ph. Ăngghen tại Paris, tình bạn vĩ đại và cuộc đấu tranh chung của hai người đã sáng lập ra hệ thống lý luận và sách lược của chủ nghĩa xã hội vô sản. Năm 1845, Mác bị trục xuất khỏi Paris vì bị coi là nhà cách mạng nguy hiểm.

Năm 1847, Mác và Ph. Ăngghen gia nhập Liên minh những người cộng sản. Đây là tổ chức đầu tiên mang tính chất quốc tế của phong trào công nhân. Theo yêu cầu Đại hội lần thứ II của Liên minh họp tháng 11-1847 ở Luân Đôn, Mác và Ph. Ăngghen đã thảo bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản chính thức xuất bản vào tháng 2-1848.

Đảm nhiệm vị trí trụ cột trong Quốc tế I thành lập năm 1864, Mác đã rèn đúc một sách lược đấu tranh vô sản của giai cấp công nhân và định hướng phát triển phong trào công nhân lan tỏa trên toàn cầu. Năm 1867, quyển sách đầu tiên của bộ Tư bản ra đời. Tập II và III của bộ sách Tư bản đã được C. Mác viết nháp xong nhưng chưa kịp in ấn thì ông đã từ giã nhân loại vào ngày 14-3-1883 tại Luân Đôn. Công trình tư bản luận này được tiếp tục hoàn thành trọn vẹn với sự quyết tâm của người bạn vĩ đại nhất của ông là Ph. Ăngghen.

M.THẢO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục