Tư vấn, cung cấp dịch vụ an toàn cho khách du lịch miền Trung

(SGGPO).- Ngày 29-4, Tổng cục Du lịch đã gửi công văn tới Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị , Thừa Thiên - Huế và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn về việc đảm bảo an toàn các hoạt động du lịch trước tình hình xảy ra hiện tượng hải sản nuôi trồng và tự nhiên chết bất thường trong thời gian vừa qua tại khu vực ven biển thuộc các địa phương nói trên.

(SGGPO).- Ngày 29-4, Tổng cục Du lịch đã gửi công văn tới Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị , Thừa Thiên - Huế và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn về việc đảm bảo an toàn các hoạt động du lịch trước tình hình xảy ra hiện tượng hải sản nuôi trồng và tự nhiên chết bất thường trong thời gian vừa qua tại khu vực ven biển thuộc các địa phương nói trên.

 Trong  văn bản của Tổng cục Du lịch nói rõ: Trong khoảng thời gian từ 6 đến 18-4, tại khu vực ven biển thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên- Huế đã xảy ra hiện tượng hải sản nuôi trồng và tự nhiên chết bất thường, gây thiệt hại về kinh tế, môi trường, có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác, sản xuất kinh doanh thủy hải sản, gây tâm lý hoang mang cho người dân, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý khách du lịch, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch tại các địa phương trên.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường trên. Thực hiện chỉ đạo này, Tổng cục Du lịch đề nghị các Sở VH-TT-DL, Hiệp hội du lịch, các hiệp hội du lịch trên địa bàn triển khai một số biện pháp cụ thể sau:

Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kịp thời thông tin trung thực cho du khách về môi trường điểm đến, an toàn vệ sinh thực phẩm với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe của khách du lịch; Bình tĩnh xử lý thông tin, tư vấn cho khách du lịch sử dụng các dịch vụ bảo đảm an toàn; Có giải pháp đa dạng hóa loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch, tăng cường thu hút khách để nhanh chóng vượt qua những khó khăn phát sinh.

Tổng cục yêu cầu các đơn vị trên địa bàn triển khai các biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho du khách, nhất là trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30-4, 1-5 và mùa du lịch hè 2016.

Trên thực tế, để tránh hệ lụy lâu dài đối với hoạt động du lịch một số địa phương và doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực hết mình để tìm giải pháp khôi phục các hoạt động du lịch và thu hút du khách. Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Bình hầu hết các nhà hàng ven biển Đồng Hới (Quảng Bình) đã đồng loạt treo băng rôn về việc thay đổi món ăn trong nhà hàng theo hướng loại bỏ hải sản, thay thế bằng những đặc sản khác của Quảng Bình như: cá nước ngọt, gà thả vườn, heo rừng lai...

 Một số công ty lữ hành cũng đã tư vấn đưa ra nhiều sản phẩm du lịch như khám phá văn hóa, lịch sử, hang động, tâm linh thay vì lựa chọn tắm biển. Cùng đó các đơn vị lữ hành như Vietravel cũng làm việc và rà soát với công ty bảo hiểm về các điều khoản đền bù liên quan đến ngộ độc thực phẩm để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.  Trong bối cảnh tình trạng cá chết đang gây khó khăn lớn cho du lịch Bắc miền Trung, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý du lịch các địa phương này cần chỉ đạo doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cấp dưới theo dõi, kiểm tra sát sao tình hình, khuyến cáo các nhà hàng không sử dụng hải sản không rõ nguồn gốc trong các bữa ăn. Khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh các bãi biển, khu du lịch.

Trước đó, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Tổng cục Du lịch cũng có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường theo dõi, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch có thể gây mất trật tự, an toàn giao thông cho khách du lịch; tăng cường phối hợp lực lượng chức năng, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự tại các tuyến du lịch, điểm du lịch, khu du lịch; tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn, chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật của các khu du lịch, điểm du lịch, kiểm tra lắp đặt bổ sung biển báo, thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho khách du lịch.

Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống mua sắm, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác nghiêm túc tuân thủ đúng quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông khi tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch thực hiện tốt các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong quá trình đi du lịch; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, điều kiện cung ứng các dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu tăng cao của du khách trong dịp nghỉ lễ.

Đồng thời, các doanh nghiệp quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, ổn định giá dịch vụ du lịch, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện nâng giá, ép khách, gây sốt giá ảnh hưởng xấu đến hình ảnh điểm đến của địa phương nói riêng và điểm đến Việt Nam nói chung; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn tại các điểm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch và cơ sở kinh doanh du lịch của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cung cấp số điện thoại đường dây nóng về vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân về an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục