- Hỏi: Tôi là Giám đốc Công ty TNHH 2 thành viên T. (trụ sở chính tại TPHCM). Công ty của tôi có ký kết hợp đồng bán một lượng hàng hóa cho Công ty P. (là công ty thành lập và đăng ký kinh doanh theo pháp luật của Phần Lan). Hợp đồng được ký kết tại trụ sở của Công ty T. Nay Công ty P. vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy, tôi muốn đại diện Công ty T. khởi kiện Công ty P. nhưng không biết thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về tòa án nước nào? Và khởi kiện ở tòa án nước nào có lợi hơn?
>> Đáp: Công ty TNHH 2 thành viên T. thành lập và đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam nên Công ty là pháp nhân Việt Nam, Công ty P. là pháp nhân Phần Lan, vì công ty thành lập và đăng ký kinh doanh theo pháp luật Phần Lan. Tranh chấp giữa hai công ty là tranh chấp trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, về nguyên tắc, tòa án của cả hai quốc gia đều có thể có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp này đại diện Công ty T. có một trong hai khả năng lựa chọn: Khởi kiện tại tòa án của Phần Lan hoặc tại tòa án Việt Nam.
Trong trường hợp khởi kiện tại Tòa án Phần Lan, Công ty T. sẽ là nguyên đơn và Công ty P. là bị đơn trong vụ tranh chấp tại Tòa án Phần Lan. Vì giữa Việt Nam và Phần Lan chưa ký kết điều ước quốc tế về xác định thẩm quyền của tòa án hai quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến pháp nhân của hai nước (cụ thể là các hiệp định tương trợ tư pháp), nên việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án Phần Lan sẽ theo quy định của pháp luật Phần Lan.
Như vậy, Tòa án Phần Lan có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp của Công ty T. với Công ty P. hay không sẽ do Tòa án Phần Lan xác định trên cơ sở pháp luật của Phần Lan. Có hai khả năng sẽ xảy ra: hoặc Tòa án Phần Lan có thẩm quyền giải quyết hoặc Tòa án Phần Lan không có thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp Công ty T. khởi kiện tại Tòa án Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án Việt Nam sẽ được xác định theo pháp luật Việt Nam. Cụ thể, theo điểm d khoản 2 Điều 410 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài khi: “Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài”.
Hợp đồng giữa Công ty T. và Công ty P. ký kết tại Việt Nam nên Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. Sau khi xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án Việt Nam, việc xác định thẩm quyền cụ thể sẽ căn cứ vào Chương III Bộ luật Tố tụng dân sự 2004. Trong trường hợp này Công ty T. nên nộp đơn khởi kiện tại Tòa án TPHCM vì Công ty T. có trụ sở chính tại TPHCM và hợp đồng được ký kết tại TPHCM.
- Chú ý:
Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ căn cứ vào quy phạm xung đột trong pháp luật của nước mình để xác định luật áp dụng giải quyết nội dung tranh chấp. Vì vậy, cùng một tranh chấp nếu giải quyết ở hai tòa án của hai nước khác nhau có thể có kết quả khác nhau, nên không thể trả lời được khởi kiện ở tòa án nước nào có lợi hơn. Công ty T. cần nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật có liên quan của hai nước trước khi quyết định nộp đơn khởi kiện ở tòa án nước nào.
Việc Tòa án Việt Nam hoặc Tòa án Phần Lan xác định có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp sẽ không loại trừ thẩm quyền của tòa án nước kia. Vì vậy cần chú ý sau khi Công ty T. nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Việt Nam thì Công ty P. vẫn có quyền nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Phần Lan.
- Hỏi: Tôi quê ở Long An, lên TPHCM ở với dì từ nhỏ. Nay dì tôi xuất cảnh theo bảo lãnh của con cái, dì để lại cho tôi căn nhà của dì ở quận 5. Cha mẹ tôi khuyên tôi bán căn nhà này để về quê sinh sống vì tôi không có ai thân thích ở thành phố. Xin hỏi, tôi có được quyền bán căn nhà này không? (Chị Nguyễn Thị Lan, quận 5).
>> Đáp: Chị không nói rõ dì của chị để lại căn nhà cho chị có làm giấy tờ gì không. Nếu đó là giấy tặng cho nhà thì căn nhà thuộc về chị, khi đó, chị có quyền bán căn nhà này. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra khi thủ tục tặng cho đã được hoàn tất theo quy định của pháp luật.
Nhưng theo quy định hiện nay, Việt kiều vẫn được sở hữu nhà tại Việt Nam. Do đó, nếu dì chị chỉ giao nhà cho chị theo giấy ủy quyền để chị quản lý và trông coi thì chị không có quyền bán căn nhà này, vì nó không thuộc quyền sở hữu của chị.
Th.S Trương Trọng Hiểu (ĐH Kinh tế - Luật)