* Tôi có thành lập một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và làm giám đốc của doanh nghiệp này. Nay công việc kinh doanh thuận lợi tôi muốn mời một người bạn của tôi tham gia góp vốn vào DN để tăng vốn kinh doanh hoặc mời thêm một DN khác cùng góp vốn với DN của tôi. Ngoài ra, tôi cũng muốn thành lập thêm một DNTN khác để hỗ trợ cho hoạt động của DNTN hiện tại. Xin hỏi: Trình tự, thủ tục để tiến hành các việc trên như thế nào? Nguyễn Văn K. (Q5, TPHCM)
Theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2005 thì: “DNTN là DN do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DN”. Như vậy, việc ông K. muốn tăng vốn kinh doanh của DNTN K. bằng cách mời thêm một người cùng góp vốn hoặc mời thêm một DN khác cùng góp vốn là không được phép bởi lúc đó DN của ông không còn thỏa mãn điều kiện về hình thức của DNTN nữa.
Về việc ông muốn thành lập thêm một DNTN khác để hỗ trợ cho hoạt động của DNTN hiện tại của ông thì theo khoản 3 Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN”. Như vậy, ông cũng không thể thực hiện được điều này. Tuy nhiên, nếu ông dùng tài sản của ông để góp vốn thành lập một DN khác mà không phải là DNTN (chẳng hạn công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) thì điều này có thể được.
Trong trường hợp ông vẫn muốn mời một người khác tham gia góp vốn vào DN để tăng vốn kinh doanh hoặc mời thêm một DN khác cùng góp vốn với DN của ông thì ông buộc phải lựa chọn một loại hình DN khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 mà cụ thể trong trường hợp này là công ty TNHH có 2 thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh. Việc lựa chọn hình thức công ty nào phải tuân theo những quy định cụ thể của Luật Doanh nghiệp 2005 đối với loại hình công ty đó. Khi đó, ông vừa là chủ sở hữu của DNTN hiện tại của ông vừa có thể là giám đốc của công ty mới thành lập.
Chú ý: Trong trường hợp ông thành lập thêm một công ty khác để kinh doanh thì toàn bộ giá trị phần vốn góp của ông tại công ty đó sẽ được xem là một phần tài sản của cá nhân ông dùng để chịu trách nhiệm đối với DNTN K. bởi vì DNTN là loại hình DN không có tư cách pháp nhân và chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DN.
BÀNH QUỐC TUẤN
(Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.