- Cuối năm vừa qua, doanh nghiệp (DN) chúng tôi gặp khó khăn tài chính nên đã chậm trả lương cho người lao động (NLĐ). Sau khi bị cơ quan nhà nước kiểm tra, DN chúng tôi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hai hành vi: không xây dựng thang lương, bảng lương và chậm trả lương cho 34 NLĐ với tổng số tiền phạt là 37 triệu đồng. Chúng tôi kiểm tra quy định pháp luật, số tiền phạt thấp hơn, nhưng chúng tôi lại bị phạt đến 37 triệu đồng, vậy có đúng không?
Công ty Tân Thịnh, Huyện Bình Chánh, TPHCM
>> Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 10-10-2013, thì hai hành vi trên của công ty sẽ bị xử phạt như sau: 1. Hành vi không xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP bị phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Mức phạt trung bình cho hành vi này là 3,5 triệu đồng. 2. Hành vi chậm trả lương cho 34 NLĐ trong công ty theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Mức phạt trung bình cho hành vi này là 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, cần lưu ý: Thứ nhất, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 thì nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính tại Điều 3 là “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân” và tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 95/2013/NĐ-CP cũng quy định về vấn đề này. Vì vậy, mức phạt tiền (nếu không có thêm các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ) đối với hành vi thứ nhất của DN sẽ là 7 triệu đồng, hành vi thứ hai là 30 triệu đồng, tổng cộng là 37 triệu đồng. Ngoài ra, DN còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả đủ tiền lương cho NLĐ theo quy định và buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho NLĐ tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
+ Thứ hai, hành vi chậm trả lương cho NLĐ theo thỏa thuận được chấp nhận trong trường hợp đặc biệt nhưng không được chậm quá 1 tháng và DN phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Nếu vi phạm quy định này thì công ty mới bị xử phạt.
+ Thứ ba, tại Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định về quyền giải trình trong trường hợp mức phạt tiền quy định tối đa của khung tiền phạt là từ 30 triệu đồng trở lên đối với hành vi của tổ chức vi phạm. Vì vậy, trong trường hợp này DN có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của DN trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp DN không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định.
| |
ThS. TRẦN THỊ LỆ THU
(Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật)