* Công ty chúng tôi có một cán bộ tên T. từ nhiệm xin nghỉ việc. Người này có thời gian làm việc từ năm 1985 đến nay, qua 4 nơi. Từ Phó Chủ tịch UBND phường, chuyển sang làm phó giám đốc trung tâm của công ty vải sợi - đơn vị nhà nước. Sau đó công ty sáp nhập đổi thành tên khác, rồi cuối cùng ông làm việc tại công ty chúng tôi. Nay ông nghỉ việc, công ty chúng tôi phải giải quyết trợ cấp thôi việc như thế nào, thời gian công tác tại đơn vị nào thì đơn vị đó trả hay chúng tôi phải trả hết? (Công ty cổ phần Dược phẩm Dược liệu Chợ Lớn)
* Về việc chi trả trợ cấp thôi việc: Theo quy định tại điểm C khoản 3 Điều 14 Nghị định 44/2003/NĐ-CP thì “Trường hợp người lao động trước khi làm việc cho doanh nghiệp nhà nước mà đã có thời gian làm việc ở các đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước, nhưng chưa được trợ cấp thôi việc, thì doanh nghiệp nơi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đó theo quy định của pháp luật. Các đơn vị sử dụng lao động trước đây có trách nhiệm chuyển trả cho doanh nghiệp đã chi trả, nếu đơn vị cũ đã chấm dứt hoạt động thì ngân sách nhà nước sẽ hoàn trả”. Như vậy, trong trường hợp này, Công ty cổ phần Dược phẩm Dược liệu Chợ Lớn sẽ có trách nhiệm chi trả khoản trợ cấp thôi việc cho toàn bộ thời gian làm việc của ông T.
* Do kinh doanh không hiệu quả, công ty chúng tôi phải thu hẹp sản xuất, nên phải cho nghỉ việc. Trong đó, một nhân viên tên Tuyến có thời gian làm việc từ năm 2002 đến 2015 thì công ty phải trả trợ cấp thôi việc hay trợ cấp mất việc? Một nhân viên khác tên Hiệp có thời gian công tác từ tháng 6-2010 đến tháng 5-2015 thì phải trợ cấp thế nào? (Nguyễn Việt Thắng, quận 5, TPHCM)
* 1. Trường hợp ông Tuyến: Theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2012: “Vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của bộ luật này”. Như vậy, công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho ông Tuyến. Khi đó, “thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc”.
2. Trường hợp ông Hiệp: Khoản 4 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 18 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 2 tháng tiền lương”. Như vậy, ông Hiệp có thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm dù chỉ 2 tháng nhưng công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm là 2 tháng tiền lương.
LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ
(Giám đốc Công ty Luật An Luật)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.