Vừa qua, mục Kinh tế - Pháp luật có tư vấn về vấn đề góp vốn bằng giấy xác nhận nợ và góp vốn bằng quyền bất động sản nhưng định giá cao hơn thực tế tại http://www.sggp.org.vn/hoptackinhte/2015/10/399134/ đều được chấp nhận và chia lãi trên phần vốn đã được định giá. Tuy nhiên, trong tình huống này có nhiều vấn đề tôi muốn hỏi thêm là:
Thành viên tên D cam kết góp bằng 1,5 tỷ đồng bằng tiền mặt, nhưng chỉ mới góp được 500 triệu đồng thì D được chia lợi nhuận trên tỷ lệ của số vốn thực góp (500 triệu đồng) hay số vốn đã cam kết góp (1,5 tỷ đồng)?
Thành viên C góp vốn bằng ngôi nhà được các thành viên tự định giá 1,5 tỷ đồng (dù giá hiện tại căn nhà chỉ khoảng 700 triệu đồng) thì C có được chia lợi nhuận trên trị giá 1,5 tỷ đồng không?
Thành viên B góp vốn bằng giấy nợ của một công ty khác với số tiền là 1,2 tỷ đồng. Nếu khoản nợ trong giấy nợ chỉ đòi được một nửa (600 triệu đồng) vì công ty này đang lâm vào tình trạng phá sản, phần còn lại thành viên B có phải góp thêm không? Thành viên B sẽ được chia lợi nhuận như thế nào? (Câu hỏi của bạn đọc ở địa chỉ mail cafesua1906@gmail.com)
Về những trường hợp bạn hỏi, tôi trả lời như sau:
1. Trường hợp ông D:
Theo quy định tại Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014, sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ông D phải góp đủ số vốn đã cam kết là 1,5 tỷ đồng. Trường hợp ông D chỉ góp 500 triệu đồng và cam kết góp đủ vào tháng 1-2016. Như vậy số vốn 1 tỷ đồng được coi là số vốn chưa góp của ông D và số vốn chưa góp này sẽ được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Và theo khoản 3 Điều 50 Luật Doanh nghiệp, ông D chỉ được chia lợi nhuận theo tỷ lệ trên vốn thực góp 500 triệu đồng.
2. Trường hợp ông C:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp: “Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế”. Như vậy, việc định giá căn nhà của ông C cao hơn thực tế tại thời điểm góp vốn là công ty đã thừa nhận phần vốn góp bằng 1,5 tỷ đồng (vì tại thời điểm định giá tất cả các thành viên đều đồng ý).
Do vậy, ông C được chia tỷ lệ lợi nhuận trên số vốn góp 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, các bên cũng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
3. Trường hợp ông B:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014 thì “Tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam”. Trong trường hợp này, giấy xác nhận nợ được xem là tài sản có thể định giá bằng đồng Việt Nam nên việc góp vốn bằng giấy xác nhận nợ là hợp pháp. Việc ông C góp giấy nợ 1,2 tỷ đồng làm tài sản góp vốn vào công ty đã được các thành viên còn lại nhất trí và thông qua, nên việc công ty chỉ thu hồi được 600 triệu đồng, ông B không có trách nhiệm phải góp thêm.
Như vậy, ông B vẫn được chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp 1,2 tỷ đồng theo giấy nợ mà ông B đã góp.
LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ
(Giám đốc Công ty luật An Luật)