Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

° Tôi là đại diện của Công ty MA (Việt Nam), công ty chúng tôi có ký kết hợp đồng với Công ty Kolong (Hàn Quốc). Hợp đồng được đàm phán và ký kết tại Việt Nam. Theo hợp đồng công ty chúng tôi sẽ bán 50.000 MT hạt điều thô cho Công ty Kolong. Hai bên thỏa thuận rằng hàng sẽ được giao tại cảng Việt Nam cho người vận chuyển do Công ty Kolong thuê; luật Hàn Quốc sẽ được áp dụng để điều chỉnh nội dung, hình thức của hợp đồng cũng như giải quyết tất cả các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Sau khi hợp đồng được ký kết, công ty chúng tôi đã tiến hành thu gom hạt điều để giao hàng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, sau khi đã gom đủ hạt điều để chờ ngày giao hàng thì Công ty Kolong gửi thông báo cho biết sẽ không tiếp tục thực hiện hợp đồng vì cho rằng hợp đồng vô hiệu theo pháp luật Hàn Quốc do người đại diện ký kết hợp đồng của công ty chúng tôi không có thẩm quyền ký kết theo pháp luật Hàn Quốc.

Xin hỏi, chúng tôi có thể kiện Công ty Kolong ở tòa án Việt Nam hay không? Và luật Hàn Quốc có được áp dụng để giải quyết tranh chấp trong trường hợp này hay không? (Đại diện Công ty MA, trụ sở chính tại quận 7, TPHCM)

– Vì MA không cho chúng tôi biết trong hợp đồng hai bên có thỏa thuận trước về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không nên sẽ có hai khả năng xảy ra:

1. Trong hợp đồng hai bên đã thỏa thuận chọn tòa án Hàn Quốc là cơ quan giải quyết tranh chấp và theo pháp luật Hàn Quốc, thỏa thuận này được xem là hợp pháp thì Công ty MA có thể khởi kiện Công ty Kolong tại Hàn Quốc. Khi đó tòa án Hàn Quốc sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khi đó tính hợp pháp của thỏa thuận chọn luật giữa hai bên sẽ được xem xét theo pháp luật Hàn Quốc. Nếu thỏa thuận chọn luật hợp pháp thì luật Hàn Quốc sẽ được áp dụng để xem xét người đại diện ký kết hợp đồng của Công ty MA có thẩm quyền hay không. Nếu thỏa thuận chọn luật không hợp pháp, tòa án Hàn Quốc sẽ quyết định luật áp dụng giải quyết tranh chấp trên cơ sở quy định của pháp luật Hàn Quốc.

Chú ý, nếu Công ty MA vẫn muốn khởi kiện tại tòa án Việt Nam thì tòa án Việt Nam chỉ có thể thụ lý giải quyết khi nào Công ty Kolong đồng ý tham gia tố tụng bởi tranh chấp này thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 410 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2004.

2. Nếu trong hợp đồng hai bên không thỏa thuận trước về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thì Công ty MA có thể khởi kiện Công ty Kolong tại tòa án Việt Nam. Theo theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 410 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2004 thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này bởi hành động thu gom và giao hạt điều đều thực hiện tại Việt Nam, nghĩa là hợp đồng được thực hiện tại Việt Nam. Trong trường hợp này tòa án Việt Nam sẽ xem xét tính hợp pháp của thỏa thuận chọn luật Hàn Quốc áp dụng giải quyết tranh chấp trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam. Tại đoạn 1 khoản 1 Điều 769 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 quy định như sau: “Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác”. Như vậy, các bên trong hợp đồng được thỏa thuận chọn luật áp dụng điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Những nội dung nào trong thỏa thuận chọn luật giữa Công ty MA và Công ty Kolong vượt quá phạm vi vấn đề quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ vô hiệu và phải áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết. Vậy việc xem xét người đại diện ký kết hợp đồng của Công ty MA có thẩm quyền hay không sẽ căn cứ theo pháp luật Việt Nam.

Chú ý, vì giữa Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp nên trong trường hợp Công ty MA kiện Công ty Kolong tại Việt Nam và tòa án Việt Nam tuyên Công ty MA thắng kiện nhưng bản án của tòa án Việt Nam phải thi hành tại Hàn Quốc (vì Công ty Kolong không có tài sản để thi hành tại Việt Nam) thì bản án của tòa án Việt Nam có được thi hành tại Hàn Quốc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của pháp luật Hàn Quốc. Nếu bản án của tòa án Việt Nam không được thi hành tại Hàn Quốc thì Công ty MA chỉ có thể khởi kiện Công ty Kolong tại Hàn Quốc để bảo vệ lợi ích của mình.

BÀNH QUỐC TUẤN (Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật)

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, Phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08)39294072 – 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục