° Tôi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với Công ty M. 100% vốn của Đài Loan đóng tại quận Gò Vấp, TPHCM từ ngày 1-1-2009. Theo HĐ, tôi làm công nhân đứng máy dệt, mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, hợp đồng ký với thời hạn 1 năm, mỗi năm ký lại 1 lần. Ngày 15-4-2012 công ty mở thêm xưởng sản xuất tại Đồng Tháp nên điều chuyển tôi xuống làm việc tại đây để chuyển giao kỹ thuật cho công nhân mới. Tôi hoàn toàn nhất trí với quyết định điều chuyển và đề nghị khi hết HĐ đợt này (HĐ lần thứ 4), quay về công ty sẽ ký HĐ lâu dài với tôi, đề nghị này được giám đốc Công ty M. đồng ý. Do không đảm bảo được các điều kiện về an toàn lao động và vệ sinh môi trường, ngày 15-11-2012 phân xưởng được lệnh phải tạm ngừng sản xuất. Thời điểm này giám đốc công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ cùng tất cả công nhân ở đây mà không có thông báo trước với lý do bất khả kháng. Tôi được thanh toán trợ cấp thôi việc tương ứng với 3,5 năm làm việc. Tôi không đồng ý và yêu cầu được quay lại làm việc tại trụ sở chính. Sau khi gửi đơn khiếu nại đến giám đốc công ty, sau 10 ngày không thấy hồi âm, tôi đã chủ động đi xin việc và được nhận vào làm việc ở công ty khác. Ngày 1-1-2013 giám đốc Công ty M. đã hủy quyết định chấm dứt HĐ với tôi và bố trí việc cho tôi theo như thỏa thuận trước đó và yêu cầu phải có mặt vào ngày 10-1-2013. Do đã đi làm ở chỗ mới nên tôi không đến làm việc. Giám đốc Công ty M. muốn kiện tôi để yêu cầu bồi thường. Xin tư vấn cho biết yêu cầu trên là đúng hay sai? (trananhd...@yahoo.com)
° Thứ nhất, cần khẳng định việc giao kết nhiều lần HĐLĐ 1 năm như công ty là đã trái với quy định của pháp luật. Theo hướng dẫn của Nghị định 44/CP (2003), theo hướng dẫn này, khi HĐLĐ có thời hạn đầu tiên kết thúc, thì trong thời hạn 30 ngày các bên phải ký lại HĐLĐ mới. Trường hợp ký HĐLĐ mới là HĐ xác định thời hạn, thì chỉ được ký thêm một thời hạn không quá 36 tháng, sau đó nếu người lao động tiếp tục làm việc thì ký HĐLĐ không xác định thời hạn.
Thứ hai, việc chấm dứt HĐ vì lý do bất khả kháng như Công ty M. nói trên phải xem xét đó là lý do gì. Theo quy định tại điều 12 khoản 3 của Nghị định 44/CP nêu trên thì “Lý do bất khả kháng khác là trường hợp do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên, do địch họa, do dịch bệnh không thể khắc phục được dẫn tới việc phải thay đổi, thu hẹp sản xuất kinh doanh”. Nếu ngoài những lý do nêu trên thì doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Thứ ba, về vấn đề rút lại (hủy bỏ) quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì Bộ luật Lao động 1994 có quy định tại Điều 40 rằng, các bên đơn phương chấm dứt HĐ có quyền rút lại quyết định đơn phương của mình trước khi hết thời hạn báo trước, trong trường hợp này thì hợp đồng sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong tình huống trên, bạn không nói về thời hạn báo trước, tuy nhiên từ thời điểm chấm dứt hợp đồng 15-11-2012 đến thời điểm 1-1-2013 đã hơn 30 ngày (thời hạn phải báo trước trong trường hợp này). Do đó, theo quy định thì việc bạn không quay trở lại làm việc là hoàn toàn hợp pháp, Công ty M. không thể kiện yêu cầu bồi thường được. Ngoài ra, việc công ty chấm dứt HĐ mà không báo trước như trên là trái pháp luật.
ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP (Khoa Luật-ĐH Kinh tế- Luật- ĐHQG TPHCM)
| |