Tư vấn kinh tế - pháp luật

Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực khai thác tàu biển, nay do nhu cầu mở rộng kinh doanh, cần thêm nhiều vốn lưu động, công ty có ý định đem tàu biển đi cầm cố để vay vốn. Tôi có nghe nói là quy định hiện nay không cho phép cầm cố tàu. Thông tin này có đúng không? Nếu không cho cầm cố tàu, xin Mục Tư vấn kinh tế - Pháp luật tư vấn cho chúng tôi biện pháp khác để công ty có thể vay vốn bằng nguồn đảm bảo từ tàu hay không?

° Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực khai thác tàu biển, nay do nhu cầu mở rộng kinh doanh, cần thêm nhiều vốn lưu động, công ty có ý định đem tàu biển đi cầm cố để vay vốn. Tôi có nghe nói là quy định hiện nay không cho phép cầm cố tàu. Thông tin này có đúng không? Nếu không cho cầm cố tàu, xin Mục Tư vấn kinh tế - Pháp luật tư vấn cho chúng tôi biện pháp khác để công ty có thể vay vốn bằng nguồn đảm bảo từ tàu hay không? (Một độc giả tại địa chỉ email:…thanhlong@yahoo.com)

° Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (BLHHVN) năm 1990 có quy định về việc dùng tàu biển để thế chấp hoặc cầm cố nhằm đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Tuy nhiên, quy định này không còn phù hợp với thực tế nữa cho nên BLHHVN năm 2005 đã bỏ những quy định về cầm cố tàu biển và chỉ cho phép chủ tàu dùng tàu biển của mình để thế chấp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

Khoản 1 Điều 33 BLHHVN 2005 quy định rõ thế chấp tàu biển là việc chủ tàu dùng tàu biển thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền và không phải chuyển giao tàu biển đó cho bên nhận thế chấp giữ. Như vậy, với quy định này, đối với chủ sở hữu tàu, việc thế chấp tàu biển có lợi hơn nhiều so với việc cầm cố tàu biển, vì trong thời gian thế chấp, chủ tàu vẫn có thể khai thác con tàu được thế chấp một cách bình thường để sinh lợi. Hơn nữa, với quy định rằng người nhận thế chấp chỉ giữ bản sao giấy chứng nhận đăng ký tàu biển của tàu biển đem đi thế chấp (Điều 34 – khoản 7 – BLHHVN 2005), công ty bạn có thể dùng một tàu biển để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu tàu biển thế chấp có giá trị lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 34 – khoản 4 – BLHHVN 2005).

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng tàu biển đang thế chấp không được chuyển quyền sở hữu, nếu không có sự đồng ý của người nhận thế chấp. Và tàu biển thế chấp phải được chủ tàu mua bảo hiểm, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác (Điều 34 – Khoản 1 và 2 – BLHHVN 2005).

° Tôi là thành viên của một công ty TNHH có trụ sở tại Bình Dương. Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, thương mại. Vừa qua, tôi có ý định tặng cho phần vốn góp của tôi (1/2 phần vốn góp trong công ty) cho anh ruột của tôi nhưng bị mọi người trong công ty phản đối. Xin hỏi, tôi có được quyền chuyển phần vốn góp cho anh tôi không trong khi công ty phản đối? Và sau khi nhận vốn góp tôi tặng, anh tôi có trở thành thành viên của công ty hay không? (Thanh Tâm, Bình Dương)

° Khoản 5 Điều 45 Luật Doanh nghiệp quy định, thành viên công ty TNHH có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác. Trường hợp người được tặng cho là người có cùng huyết thống đến thế hệ thứ ba thì họ đương nhiên là thành viên của công ty. Trường hợp người được tặng cho là người khác thì họ chỉ trở thành thành viên của công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, bạn được quyền tặng cho phần vốn góp của bạn cho anh ruột và anh ruột của bạn sẽ đương nhiên trở thành thành viên của công ty.

TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật TPHCM)

 Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn kinh tế - pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, Phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08)39294072 – 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục