Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Chúng tôi là doanh nghiệp khai thác thủy hải sản. Ngày 1-2-2013, tàu của doanh nghiệp chúng tôi đang khai thác thủy hải sản tại vùng biển cách đảo Lý Sơn 25 hải lý thì bị một số tàu lạ của nước ngoài cản trở, xua đuổi. Một trong số các tàu đó đã đâm thẳng vào tàu của chúng tôi làm vỡ mạn tàu bên trái. Để tránh nguy hiểm, chúng tôi đã cho tàu chạy vào bờ. Ngoài việc tàu bị hư hỏng, lưới và phao đánh cá của chúng tôi đang thả trên biển cũng bị tàu lạ lấy mất và một thuyền viên của chúng tôi bị thương do té ngã. Chúng tôi có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không?

Chúng tôi là doanh nghiệp khai thác thủy hải sản. Ngày 1-2-2013, tàu của doanh nghiệp chúng tôi đang khai thác thủy hải sản tại vùng biển cách đảo Lý Sơn 25 hải lý thì bị một số tàu lạ của nước ngoài cản trở, xua đuổi. Một trong số các tàu đó đã đâm thẳng vào tàu của chúng tôi làm vỡ mạn tàu bên trái. Để tránh nguy hiểm, chúng tôi đã cho tàu chạy vào bờ. Ngoài việc tàu bị hư hỏng, lưới và phao đánh cá của chúng tôi đang thả trên biển cũng bị tàu lạ lấy mất và một thuyền viên của chúng tôi bị thương do té ngã. Chúng tôi có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không? Khởi kiện như thế nào? (Đại diện DNTN QN, Quảng Ngãi)

- Theo vị trí vùng biển mà tàu của doanh nghiệp bị tàu lạ đâm phải thì vùng biển này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này có nghĩa là tàu của doanh nghiệp khai thác thủy hải sản hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Để yêu cầu bồi thường thiệt hại doanh nghiệp cần tiến hành các công việc sau đây:

- Xác định cụ thể tàu lạ đã đâm vào tàu cá của doanh nghiệp là tàu của nước nào, thuộc lực lượng công vụ hay dân sự, số hiệu ra sao, trang bị như thế nào… Những thông tin này càng rõ ràng, cụ thể càng tốt. Nếu là tàu dân sự chúng ta có thể sử dụng cơ chế dân sự để giải quyết, nếu là tàu công vụ phải sử dụng cơ chế khác bởi lẽ tàu công vụ của nước ngoài có thể được hưởng quyền miễn trừ. Việc xác định có thể kết hợp với các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, biên phòng… để đảm bảo tính chính xác.

- Xác định rõ những thiệt hại của tàu doanh nghiệp cũng như thiệt hại về sức khỏe của thuyền viên. Về cơ bản có 3 loại thiệt hại có thể xác định được:

Thứ nhất, thiệt hại đối với tàu đánh cá cũng như tài sản trên tàu, bao gồm: phí tổn để sửa chữa tàu, những ngư cụ đã bị hư hỏng hoặc những thủy hải sản là kết quả lao động đã bị lấy đi…

Thứ hai, thiệt hại sức khỏe (nếu có) cho thuyền viên trong quá trình va chạm với tàu nước ngoài.

Thứ ba, thiệt hại trong những ngày phải sửa chữa tàu, ngư cụ, khám chữa bệnh… mà tàu không thể ra khơi khai thác thủy hải sản được.

Sau khi xác định các loại thiệt hại, phải xác định thật cụ thể giá trị thiệt hại và nêu ra một số tiền cụ thể mà phía doanh nghiệp đã gánh chịu. Việc xác định giá trị thiệt hại phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành và có chức năng, thẩm quyền. Ví dụ: để xác định giá trị tàu thuyền hoặc ngư cụ bị hư hỏng, mất mát phải có biên bản đánh giá thiệt hại của cơ quan giám định, bảng báo giá của doanh nghiệp hoặc tổ chức có chức năng và khả năng sửa chữa tàu thuyền, mua bán ngư cụ hoặc để xác định mức độ sức khỏe của ngư dân bị thiệt hại phải có biên bản giám định thương tật của cơ sở y tế…

- Xác định lỗi thuộc về bên nào. Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về tàu nước ngoài, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở yêu cầu tàu nước ngoài bồi thường thiệt hại.

Chú ý: Nếu tàu nước ngoài là tàu dân sự, doanh nghiệp có thể khởi kiện tại tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, vì vụ việc có yếu tố nước ngoài nên việc khởi kiện tại tòa án Việt Nam hoặc tòa án nước ngoài phải được cân nhắc trên cơ sở các tình tiết thực tế của vụ việc để thuận lợi nhất cho việc khởi kiện. Còn nếu tàu nước ngoài là tàu công vụ thì mọi việc phải giải quyết thông qua các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam để xác định cơ chế yêu cầu bồi thường thiệt hại thật cụ thể.

Th.S Bành Quốc Tuấn (Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật)

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM. Email: hanni@sggp.org.vn. ĐT: (08)39294072 - 0903.975323

Tin cùng chuyên mục