Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Nguyễn Thị Hằng, quận 10, TPHCM).

* Tôi ký hợp đồng làm việc lần đầu tiên với một ngân hàng với thời hạn 6 tháng (đã thử việc 2 tháng trước đó). Theo thỏa thuận (đã có sẵn trong hợp đồng) thì lương lần trả đầu tiên sẽ chậm 2 tháng (có nghĩa là sau 2 tháng làm việc, đến tháng thứ 3 tôi mới được trả lương) và đến khi tôi không còn làm việc nữa thì 2 tháng lương trả chậm này sẽ được ngân hàng trả 1 lần. Tôi muốn biết thỏa thuận này có trái với quy định của pháp luật hay không? Việc giao kết hợp đồng có thời hạn 6 tháng như vậy có đúng luật hay không? (Nguyễn Thị Hằng, quận 10, TPHCM).

* Theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012: “Người lao động (NLĐ) được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”. Điều 95 cũng quy định: “NLĐ hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần”.

Như vậy, các quy định của luật hiện hành không xác định thời điểm trả lương trong tháng, luật cũng không cấm thỏa thuận chậm trả như điều khoản trong hợp đồng của bạn. Do đó có thể thấy, thỏa thuận chậm trả như đã nói là không vi phạm quy định của luật. Tuy nhiên, trong trường hợp trả lương chậm như vậy thì người sử dụng lao động phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương và không thể chậm đến 2 tháng như vậy. Ngoài ra, luật cũng cho phép NLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ (khoản 1, điểm b Điều 37 BLLĐ).

Về thời hạn 6 tháng của hợp đồng, luật quy định “Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế NLĐ đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác”. Vì bạn không cho biết tính chất công việc như thế nào nên không thể trả lời chính xác được.

* Tôi đang làm việc ở một công ty với hợp đồng 3 năm. Còn 6 tháng nữa thì hợp đồng hết hạn nhưng đúng lúc này tôi có lệnh gọi đi nghĩa vụ quân sự. Xin cho biết là sau khi đi nghĩa vụ quân sự về tôi có được tiếp tục làm việc hay là hợp đồng đã hết hạn? (Nguyễn Văn Dũng, quận 7).

* Điều 32 BLLĐ quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ gồm: NLĐ đi làm nghĩa vụ quân sự; NLĐ bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; NLĐ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của bộ luật này; các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

Trong trường hợp tạm hoãn HĐLĐ thì thời gian tạm hoãn sẽ không được tính là thời gian thực hiện hợp đồng, do đó sau khi đi làm nghĩa vụ quân sự về bạn sẽ có thể tiếp tục làm việc tại công ty.

TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP (Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật)

Tin cùng chuyên mục