Từ vụ Tiên Lãng nghĩ về việc đối thoại với dân

Từ vụ Tiên Lãng nghĩ về việc đối thoại với dân

LTS: Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) dẫn đến nhiều hệ lụy có thể xem là một sự việc đáng tiếc, bởi lẽ ra đã có thể tránh được nếu như các cơ quan chức năng ở huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang tổ chức đối thoại với dân một cách cầu thị, thiết thực. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu nhiều ý kiến phân tích, góp ý về vụ việc này.

Sau khi bị cưỡng chế, đầm thủy sản của gia đình ông Vươn trở nên hoang tàn. Ảnh: V.Phúc

Sau khi bị cưỡng chế, đầm thủy sản của gia đình ông Vươn trở nên hoang tàn. Ảnh: V.Phúc

  • Bài học lớn về cơ chế đối thoại hai chiều

Thông tin báo chí cho thấy sự bất đồng, thậm chí tranh chấp, giữa gia đình ông Đoàn Văn Vươn (cùng một số gia đình khác) với chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đã diễn ra khá lâu. Trong thời gian đó, gần như không có cuộc đối thoại với tính cách gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, hiểu biết, chia sẻ và thông cảm nhau. Bởi trong vụ việc này, ngoài nhu cầu, lợi ích khác nhau còn có cả cách hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau, thậm chí có chỗ còn có thể xem là pháp luật (cụ thể là Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo và một số quy định về tố tụng...) chưa có sự chặt chẽ.

Lẽ ra trong bối cảnh đó, đôi bên cùng ngồi lại trao đổi, tìm hiểu rõ nhu cầu và lợi ích của nhau để có hướng giải quyết thỏa đáng, thế nhưng mỗi bên đã tự hành động theo cách của mình. Hậu quả đó không chỉ nặng nề đối với các cá nhân liên quan mà còn đối với chính quyền và hệ thống chính trị nói chung.

Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện quyền hành chính của mình, chính quyền địa phương đã tỏ ra chưa thực sự tôn trọng dân, chưa lắng nghe ý kiến dân một cách cầu thị và có trách nhiệm. Vì vậy, những nguyện vọng và vướng mắc của người dân không được chính quyền biết đến hoặc có biết đến nhưng không được quan tâm và giải quyết thấu đáo. Điều đó tạo ra sự mất lòng tin và bức xúc trong những gia đình bị cưỡng chế nói riêng và người dân địa phương nói chung.

Ngay cả đến khi tổ chức cưỡng chế, việc quan trọng trong buổi cưỡng chế vẫn là vận động, thuyết phục chứ không phải dùng công cụ trấn áp một cách quyết liệt và triệt để. Điều này không chỉ tạo điều kiện để người dân chấp hành quyết định cưỡng chế tự nguyện mà còn tránh gây thiệt hại về tính mạng và tài sản cho đôi bên (như đã diễn ra).

Thực tế cho thấy trong nhiều vụ tranh chấp giữa chính quyền cơ sở và người dân, sự đối thoại rất cần thiết. Có đối thoại, chính quyền mới nói được đầy đủ yêu cầu, mục đích hợp pháp, chính đáng của mình (nhiều khi chỉ nói được với một số đối tượng cụ thể với tính đặc thù riêng). Và người dân mới có cơ hội được nêu lên tâm tư, nguyện vọng, lợi ích (cả hợp pháp và chưa hợp pháp, cả chính đáng và chưa chính đáng) của mình.

Từ đó, chính quyền có thể tiếp tục vận động, thuyết phục, hoặc điều chỉnh quyết định của mình sao cho đảm bảo lợi ích hài hòa, chính đáng, hợp pháp của cả nhà nước, nhà quản lý và người dân. Nhiều trường hợp đến ngay thời điểm tổ chức cưỡng chế, nếu chính quyền có biện pháp đối thoại hợp lý, người dân đã tự nguyện bàn giao, không nhất thiết phải sử dụng công cụ trấn áp. Vì vậy, công tác tư tưởng và công tác dân vận phải được xem trọng đúng mức. Trong đó, chính quyền, người thực hiện quyền lực nhà nước, phải đặt mình vào vị trí của nhân dân để xác định cho đúng tính chất vụ việc cũng như nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.

Như vậy, trong quản lý nhà nước, chính quyền cơ sở cần sử dụng đồng thời cả các phương pháp vận động - giáo dục - thuyết phục, kinh tế chứ không chỉ có biện pháp hành chính - mệnh lệnh - cưỡng chế, trong từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Có như vậy mới hạn chế gây ra sự mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có giữa nhà quản lý và nhân dân cũng như tránh gây ra xung đột đáng tiếc.

Vụ việc Tiên Lãng có thể xem là một bài học lớn trong việc mở rộng dân chủ cũng như phát huy cơ chế đối thoại hai chiều giữa chính quyền cơ sở với nhân dân.

Trúc Giang (Quận 3, TPHCM)

  • Xem xét trách nhiệm của UBND TP Hải Phòng

Là một người dân hàng ngày theo dõi diễn biến vụ cưỡng chế này, tôi rất hoan nghênh quyết định đình chỉ công tác đối với các cán bộ liên quan của TP Hải Phòng. Một trong những tín hiệu tích cực nhất và đáng ghi nhận nhất từ các quyết định ngày 7-2 của lãnh đạo Hải Phòng là việc thừa nhận huyện Tiên Lãng chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai nên để xảy ra chống đối với người thi hành công vụ.

Đáng lý ra việc này phải thực hiện càng nhanh càng tốt để cho niềm tin của dân vào chính quyền được vững. Tuy nhiên muộn còn hơn không, tôi tin sau việc đình chỉ công tác này là việc điều tra và xử đúng người đúng tội để các cấp quản lý của các địa phương xem đó là bài học để tự kiểm điểm mình đã làm đúng hay chưa. Theo tôi, không chỉ UBND huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc bê bối này, mà ngay cả UBND TP Hải Phòng cũng phải có người chịu trách nhiệm. Rất mong các ban ngành trung ương làm rõ trách nhiệm sai phạm trong vụ việc này.

Đây chỉ là bước đầu tiên của việc xử lý. Mong rằng sẽ có những bước xử lý thích đáng kế tiếp, đúng pháp luật. Còn những phát ngôn vu khống nhân dân và các cán bộ lão thành cách mạng, xem thường nhân dân thì sao? Vụ việc đã gây ra nhiều bất bình trong dư luận, sút giảm niềm tin của người dân.

Lê Thiên Ngân (Tân Phú, TPHCM)

  • Xử lý đúng người đúng tội

Theo dõi vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, dư luận cho rằng quyết định mới nhất của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hải Phòng về việc đình chỉ công tác Chủ tịch UBND huyện và nhiều cán bộ khác ở địa phương được nhiều người đồng tình. Điều này cho thấy việc “thượng tôn pháp luật” là cần thiết, bất cứ ai, dù là cán bộ lãnh đạo hay cán bộ đảng viên nếu có hành vi sai phạm, thực thi không đúng chức trách, quy định và đưa ra các phán quyết không hợp lòng dân, đều phải bị xử lý đúng người, đúng tội. Vụ án đang mở rộng và tất cả những người liên quan đến vụ Tiên Lãng sẽ bị triệu tập và bị xử lý thích đáng.

Đúng như nhận định của Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng, đây là một bài học lớn trong công tác điều hành, chỉ đạo, kiểm tra nói chung cũng như công tác dân vận của chính quyền địa phương. Từ bài học của Tiên Lãng, các cấp chính quyền trong cả nước cần rút ra bài học cho riêng mình về vấn đề liên quan đến cương chế thu hồi đất đai cũng như thực thi chính sách đền bù giải tỏa sao cho phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân.

Hành vi chống người thi hành công vụ của gia đình ông Vươn là không đúng pháp luật, dù cho hành vi ấy bộc phát từ nỗi bức xúc bị dồn nén, bị tước đoạt công lao, thành quả lao động sau nhiều năm tích lũy. Tuy nhiên, khi tiến hành cưỡng chế, chính quyền Tiên Lãng đã hành động không đúng khi cho phá hủy tài sản riêng gồm nhà, vườn và hàng tấn thủy, hải sản trong đầm nhà ông Vươn, trị giá hàng tỷ đồng. Điều này gây bức xúc trong dư luận, bởi lẽ, số tài sản này được làm ra từ mồ hôi, nước mắt của người dân, nên dù họ có phạm tội cũng không thể tước đoạt, phá hủy một cách phi lý như thế. Với những chứng cứ đang được các cơ quan chức năng thu thập, điều tra làm rõ, dư luận đòi hỏi phải khởi tố, xử lý nghiêm những người sai phạm, trực tiếp chỉ đạo hoặc liên đới trong việc phá hủy tài sản của gia đình ông Vươn.

Thụy Hân (Long Khánh, Đồng Nai)

Vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng (Hải Phòng):

- Đình chỉ công tác Chủ tịch UBND huyện và nhiều thuộc cấp

- Chính phủ sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân

- Thủ tướng sẽ chủ trì họp chỉ đạo giải quyết vụ việc

- Đúng luật!?

- Gần 100 chủ đầm hoang mang

- Cần sớm sửa Luật Đất đai

- Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Hải Phòng

- Truy bắt các đối tượng bắn trọng thương 6 chiến sĩ

Tin cùng chuyên mục