Từ xa nhớ về Hà Nội

Ngoài ý nghĩa góp thêm vào tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” mà NXB Trẻ thành lập vào năm 2018, hai tập tản văn: Tay chơi của Mai Lâm và Tuổi ấy mình yêu của Lê Minh Hà còn mang đến cho độc giả những dư vị riêng không kém phần thú vị. Đó là những dòng cảm xúc, nỗi nhớ nhung dành cho Hà Nội từ một nơi xa, khi cả hai đang sống ở Đức.
Tản văn Tay chơi của Mai Lâm. Ảnh: TTO
Tản văn Tay chơi của Mai Lâm. Ảnh: TTO

Trong hai tác giả trên, Mai Lâm có lẽ là trường hợp đặc biệt khi vốn được biết đến là một nhạc sĩ. Anh tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, rồi một ngày bỗng nhiên thấy anh xuất hiện trên văn đàn loạt tản văn với tên gọi Từ xa Hà Nội.

Tập tản văn Tay chơi như một sự tiếp nối mạch cảm xúc đó. Đọc Mai Lâm, nhận ra trong đó niềm thương nỗi nhớ dường như vẫn còn nóng hổi. Nỗi nhớ ấy đưa người đọc về “thời bao cấp nhọc nhằn”, thuở mà “Hà Nội xưa nghèo nên trò chơi của trẻ cũng nghèo”…

Với Tay chơi, không ít bài viết được tác giả Mai Lâm sử dụng ngôi thứ ba, chính vì vậy, có những bài viết mang dáng vóc của một truyện ngắn khi chứa đựng nhiều chi tiết và tình tiết thú vị, bất ngờ. Ở đó, dựng nên không ít thân phận của người Việt nơi đất khách như: Anh giai Viễn, Bá Ngọ, Ngày vui chưa tới, Cao thủ

Hay như bài viết Lời của đồ chơi lại giống như một câu chuyện ngụ ngôn mà ở đó thế giới loài người và thế giới loài vật cùng tồn tại song song. Tác giả khiến người đọc phải ngẫm ngợi thông qua triết lý về thời gian được gửi gắm qua lời của chiếc đồng hồ cũ: “Thời gian không trôi. Nó vẫn nguyên đấy từ khai thiên lập địa. Có trôi chăng là chúng ta, như dòng sông. Còn thời gian là bờ”.

Mặc dù không sống ở trong nước, nhưng nhiều năm qua, những tác phẩm của nhà văn Lê Minh Hà vẫn đều đặn đến với độc giả. Khi là truyện ngắn (Những gặp gỡ không ngờ, Cổ tích cho ngày mai), khi là tiểu thuyết (Phố vẫn gió, Gió tự thời khuất mặt), lúc là tản văn (Những triền xưa ai đi, Còn nhớ nhau không, Này, bọn mình rất đẹp), rồi sách dạy con (Chơi nhiều hết mệt, Chuyện mẹ chuyện con). Và lần này là tản văn Tuổi ấy mình yêu, như một tỏ bày về nỗi nhớ dành cho Hà Nội mà vào độ tuổi của chị, “chẳng hiểu vì sao sắp đến tuổi quên rồi mà vẫn cứ nhớ như thế này”.

Giống như Mai Lâm, nỗi nhớ Hà Nội của nhà văn Lê Minh Hà cũng ngược về thời bao cấp. Nhưng khác với tác giả của Tay chơi, nỗi nhớ ấy mang màu sắc thơ mộng của thời thiếu nữ đã xa. Chị nhớ về một thời “Hà Nội dặt dìu những bước nhảy chui”, trong căn phòng chật chội, cửa đóng then cài, đám bạn mười tám đôi mươi với “áo bó quần loe” nghe nhạc, khiêu vũ. Chị cũng nhớ đến cái thuở “tuổi mười tám ăn bo bo hầm”, với sự rung động đầu đời dành cho một “huyền thoại sống” của phố phường Hà Nội thời bấy giờ mà sau đó trở thành chuyện “dở khóc dở cười”… Rồi tác giả lại nhớ đến những con sẻ nhỏ, nhớ cả tiếng rao xưa để rồi không khỏi chạnh lòng cho nét dịu dàng đã mỏng nhạt, cho dẫu sự nhọc nhằn vẫn còn đó… Sự hoài vọng của Lê Minh Hà đã gợi lên thật nhiều nỗi nhớ, những nỗi nhớ rất mực dịu êm! 

Tin cùng chuyên mục