Tuần làm việc cuối cùng kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII - Chất vấn Thủ tướng và 5 thành viên Chính phủ

Hôm nay 21-11, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 6, cũng là tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ hai. Với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và 5 thành viên Chính phủ, đây có lẽ là tuần làm việc được người dân chờ đợi và quan tâm theo dõi hơn cả.

(SGGP).- Hôm nay 21-11, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 6, cũng là tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ hai. Với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và 5 thành viên Chính phủ, đây có lẽ là tuần làm việc được người dân chờ đợi và quan tâm theo dõi hơn cả.

Theo nghị trình, bắt đầu từ sáng 23-11 cho đến hết ngày 24-11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sáng 25-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ báo cáo thêm với Quốc hội một số vấn đề xung quanh việc điều hành kinh tế - xã hội năm 2012, tập trung vào 3 nhóm đột phá lớn về thể chế kinh tế, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thủ tướng cũng sẽ trả lời về những vấn đề mà ĐBQH chất vấn trực tiếp. Ngay trước phiên chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám và kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XII.

Trong tuần làm việc này, Quốc hội cũng sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật Biển Việt Nam và báo cáo thêm một số vấn đề về tình hình biển Đông; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Biển Việt Nam; thảo luận ở tổ và hội trường về dự án luật này.

Cũng trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Cơ yếu; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trước khi bế mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng toàn quốc; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (nếu có). 

Trao đổi với báo chí, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết: Theo tờ trình của Chính phủ, hiện có hai ý kiến khác nhau về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ.

Ý kiến thứ nhất đề nghị quyền hưởng lương hưu đối với người lao động giữ nguyên như hiện nay.

Ý kiến thứ hai đề nghị cần nâng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là nữ giới lên 60 tuổi để bảo đảm bình đẳng giới, đồng thời giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chính phủ cho rằng, nghỉ hưu là quyền của người lao động. Do đó, về vấn đề này dự thảo bộ luật giữ như hiện nay, tức là khi lao động nữ đủ 55 tuổi (và nam đủ 60 tuổi) thì họ có quyền nghỉ hưu.


Trả lời chất vấn cần có cam kết cụ thể 

Trong tuần làm việc cuối cùng này, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây là một trong nội dung được cử tri cả nước chờ đợi nhất mỗi kỳ họp Quốc hội. Các thành viên Chính phủ sẽ phải làm rõ những vấn đề nóng nhất của cuộc sống mà người dân quan tâm. Trước phiên chất vấn sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 23-11, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu (ĐB) Quốc hội.

  • ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM): Chuyện giáo dục phải quyết liệt làm

Tôi sẽ chất vấn về một số vấn đề cử tri rất bức xúc trong lĩnh vực GD-ĐT thời gian qua, đặc biệt là chuyện thành lập nhiều trường đại học không bảo đảm chất lượng; cùng với đó là tình trạng dạy thêm học thêm, lạm thu vẫn phức tạp trong các trường học.

Những vấn đề này cử tri tại TPHCM, nhất là quận 5, quận 1, quận 10 rất bức xúc. Tôi cũng đã gửi văn bản chất vấn đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mà chưa nhận được trả lời. Những vấn đề tôi chất vấn, ngành GD-ĐT vừa qua cũng đã triển khai một số giải pháp nhưng chưa rõ, cần phải làm mạnh hơn mới có hiệu quả rõ. Vấn đề thành lập trường đại học, Luật Giáo dục đã có rồi, Quốc hội cũng đã có giám sát về vấn đề này, nghĩa là hành lang pháp lý đều đã có đủ hết rồi, vấn đề là phải quyết liệt làm. Nếu cứ làm như hiện nay, dù có thêm văn bản nữa hiệu quả cũng không cao.

  • ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai): Lo thủy điện, môi trường, giá thuốc

Kỳ này tôi chất vấn 2 vấn đề: Một là đề nghị Chính phủ cân nhắc làm rõ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đây là vấn đề mà chính quyền, nhân dân Đồng Nai và cả các tỉnh lân cận đang rất lo lắng vì tác động của nhà máy thủy điện này đến môi trường, rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Cát Tiên là không thể lường trước.

Hai là cử tri rất quan tâm vấn đề quản lý giá thuốc. Đây là mặt hàng mà người dân không thể mặc cả được. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ghi nhận bức xúc của cử tri và cho biết sẽ có hướng xử lý, đang phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Chính phủ về Nghị định đấu thầu giá thuốc, cơ chế để bình ổn thị trường thuốc. Tuy nhiên, theo tôi cần phải có một cam kết cụ thể.

  • ĐB Đặng Thành Tâm (TPHCM): Doanh nghiệp trở tay không kịp

Cá nhân tôi rất quan tâm đến phần chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tại sao đầu năm đưa ra tuyên bố tăng trưởng tín dụng 20% nhưng sau đó Chính phủ lại tuyên bố giảm xuống còn khoảng 12% - 13% cho cả năm 2011? Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi cho rằng Chính phủ đưa ra chính sách điều hành nền kinh tế phải nhất quán, nếu thay đổi nhiều thì tác động rất lớn. Chẳng hạn đầu năm Chính phủ đưa ra con số tăng trưởng tín dụng 20%, doanh nghiệp căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch cho cả năm và năm sau để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng sau đó chính sách tiền tệ thay đổi, doanh nghiệp trở tay không kịp, vừa khó vay, vừa chịu lãi suất cao, tạo thành một gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng chính sách phù hợp hơn, cụ thể và nhất quán. 

ANH THƯ - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục