Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá: Cấm hút thuốc tại nơi làm việc

(SGGPO).- Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ Y tế, Chương trình Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá quốc gia đề nghị các bộ ngành, đoàn thể và cơ quan thực hiện trong Tuần lễ quốc gia không thuốc lá bắt đầu từ hôm nay 25-5 cho đến 31-5.

(SGGPO).- Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ Y tế, Chương trình Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá quốc gia đề nghị các bộ ngành, đoàn thể và cơ quan thực hiện trong Tuần lễ quốc gia không thuốc lá bắt đầu từ hôm nay 25-5 cho đến 31-5.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia đề nghị, các bộ ngành, đoàn thể trung ương ban hành và các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lồng ghép phong trào xây dựng làng văn hóa - sức khoẻ với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào, vận động nhân dân tổ chức đám cưới, đám tang và lễ hội không thuốc lá.

Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia cũng kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách cho việc thành lập quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên các mặt chính của bao thuốc. Vận động tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo thuốc lá, đặc biệt là quảng cáo tại các điểm bán hàng thông qua việc trưng bày các vỏ bao, các biểu tượng liên quan đến thuốc lá.

Theo điều tra mới nhất của Bộ Y tế, Việt Nam hiện là một trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Có tới 47,4% nam giới ở nước ta hút thuốc lá, thuốc lào và số lượng phụ nữ hút thuốc lá cũng đang có chiều hướng gia tăng, nhất là với đối tượng trẻ.

Đáng lo ngại hơn, trong điều tra của Viện Chiến lược chính sách y tế cho thấy, có tới 33 triệu người ở nước ta đang phải chịu hút thuốc lá thụ động do sống và làm việc trong môi trường có thuốc lá. Thậm chí ngay cả trong môi trường bệnh viện, trường mẫu giáo, số người phải hít khói thuốc thụ động cũng lên tới 23%.

Thực trạng này khiến cho số người mắc các bệnh liên quan tới thuốc lá ở Việt Nam lên tới 40.000 người/năm và sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030.

Năm nay, chủ đề của Ngày Thế giới Không thuốc lá sẽ là “Thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá”, nhằm vận động các quốc gia thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà các quốc gia đã cam kết khi tham gia Công ước.

Các biện pháp bao gồm: thực thi môi trường hoàn toàn không có khói thuốc lá, tăng thuế thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá và cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các công ty thuốc lá.

Nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày 31-5 hàng năm là Ngày Thế giới Không thuốc lá.

 

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục