Tuân thủ bản quyền phần mềm ngày càng cao

Qua cuộc thanh kiểm tra tại hơn 100 doanh nghiệp về việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực phần mềm được tiến hành từ đầu năm tới nay, cho thấy ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp đã được nâng cao rất nhiều.

Qua cuộc thanh kiểm tra tại hơn 100 doanh nghiệp về việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực phần mềm được tiến hành từ đầu năm tới nay, cho thấy ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp đã được nâng cao rất nhiều.

Điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam đã bắt đầu nhập cuộc với “luật chơi” quốc tế. Những dấu hiệu lạc quan trên là do thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan liên ngành đã quan tâm rất nhiều đến cuộc chiến chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm. Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới từng nhóm cộng đồng doanh nghiệp là hoạt động thực thi nghiêm túc luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với việc tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền sở hữu của tác giả, các hình thức xử phạt vi phạm cũng được đẩy mạnh. Không chỉ đối mặt sự nghiêm khắc của luật pháp Việt Nam, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự trừng phạt nặng nề của luật pháp quốc tế, đặc biệt là đạo luật “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” được Nghị viện bang Washington, Hoa Kỳ thông qua nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy vậy, cũng còn có một số doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh nhưng lại không chịu hợp tác trong việc thay thế các phần mềm vi phạm bằng các phần mềm chính hãng. Như trong đợt thanh tra tháng 9 vừa qua tại Công ty TNHH Princemate Viet Nam (Khu CN Nam Tân Uyên, Bình Dương), đoàn thanh tra đã phát hiện rất nhiều phần mềm vi phạm được cài trong 41 máy tính, không chỉ các phần mềm chuyên dụng trong thiết kế trị giá hàng ngàn USD của Autodesk như AutoCAD mà các phần mềm văn phòng như Microsoft Office, Window XP cũng bị doanh nghiệp này cài đặt bất hợp pháp.

Kể cả phần mềm Việt Nam là từ điển Lạc Việt có giá chỉ vài trăm ngàn đồng cũng bị Princemate Viet Nam… dùng “chùa”. Theo ước tính của các chủ sở hữu, tổng trị giá phần mềm vi phạm của doanh nghiệp này hơn 1 tỷ đồng và cho đến nay, doanh nghiệp này vẫn không chịu hợp tác mua phần mềm chính hãng thay thế cho các phần mềm vi phạm.

Theo TS Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Còn qua vụ việc của Công ty TNHH Princemate Viet Nam thấy rõ đây là chuyện “khá lạ” vì từ trước đến nay, khi đoàn thanh tra liên ngành phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm thì ngay sau đó doanh nghiệp liền đưa ra hướng khắc phục, ít nhất là cam kết… chứ không “thờ ơ” như công ty trên.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục