Người Vân Kiều ở Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) gọi rặng Trường Sơn quê mình là Răng Lược với những ngọn núi cao và nhọn như những răng lược cài vào bầu trời một cách huyễn hoặc mỗi độ hoàng hôn.
Người Vân Kiều phía núi Răng Lược vẫn kể về cách sống của họ với lễ lạt ma chay gọi hồn bí ẩn, đến cách giỗ sống những đứa con trai trên bàn thờ ngay cột nhà ma. Họ cũng là những người từng tổ chức nghi lễ cà răng lạ lẫm giữa vùng ngự trị của đại bàng cánh to, minh chứng của chiến binh Vân Kiều đang khuất dần sau đỉnh núi.
Bí ẩn dao gọi hồn
Núi Răng Lược nơi họ sống có chỏm núi bốn mái, một mái đổ về phía Lào, một mái đổ về phía Bắc, một mái đổ về phía biển và một mái đổ về phía Nam được gọi tên Răng Lược trung tâm. Núi Răng Lược như một bái vật giáo của người Vân Kiều ở Làng Ho, nó tượng trưng sức mạnh bền bĩ của con người ở bản làng xung quanh, đó cũng là ngọn núi đoàn kết và thủy chung của những tộc người sống ở vùng biên giới Lào - Việt. Già làng Hồ Cao (hoặc Hồ Thanh Bình) đã sống qua 78 mùa rẫy giữa vùng Làng Ho ở tây Trường Sơn nói: “Núi ở đây là tinh thần, cũng là chốn linh thiêng của bản làng Vân Kiều ta và anh em Lào bên dưới mái núi Răng Lược”. Nước nguồn từ rặng Răng Lược được phân bố thành từng dòng nhỏ và tạo ra các dòng suối, chia đều cho người Vân Kiều ở thượng nguồn Kiến Giang và anh em người Kinh phía đồng bằng; nước của dãy Răng Lược cũng là nơi cung cấp cho những bản làng của người Lào phía bên kia biên giới.
Từ tinh thần của dãy Răng Lược, người Vân Kiều có nhiều truyền thuyết và huyền tục của mình qua các lễ hội, sinh hoạt dân gian đời thường từ dưới suối, trên rẫy, khi sinh nở và lúc qua đời. Lôi cuốn chúng tôi hơn hết là câu chuyện như thần thoại còn tồn tại đến hôm nay, đó là con dao gọi hồn, được truyền đời hằng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm cho vị chủ tế trong bản và Hồ Cao được lãnh ấn giữ chiếc dao quý đó.
Thuyết phục mãi, già Hồ Cao mới cho chúng tôi diện kiến hai bảo vật quý mà ông được tổ tiên truyền lại và người dân tôn xưng ông là chủ đất ở Làng Ho. Ấy là con dao gọi hồn (A Châu), mũi nhọn, chuôi bằng ngà voi, mòn vẹt, minh chứng cho việc nó đã tồn tại nhiều năm.
Theo Hồ Cao, chiếc dao đã trải qua hơn 300 năm tồn tại. A Châu thường được sử dụng khi có người trong bản qua đời. Hồ Cao kể: “Sau khi chôn cất người đã khuất một ngày, A Châu được đưa ra ở nhà sàn gia đình người mất. Cái đầu heo bản nấu chín, dao bỏ trên sàn nhà cạnh cột nhà ma, ta đọc thần chú một lúc, rồi bỏ đầu heo lên mũi dao, tay thả ra, thần chú vẫn đọc, nếu con dao không đổ thì hồn người chết đang đến núi Răng Lược để về trời, nếu con dao đổ, đầu heo rơi thì hồn người chết không về được, phải mất năm sau làm lại”.
Theo Hồ Cao, ông đã có 40 năm cầu hồn và chưa bao giờ thất bại. Khi chiếc dao đứng im, Hồ Cao dùng vật lễ khác để ru hồn yên vị, không vương vấn với trần thế, ấy là chiếc khèn pây như sáo thổi nhưng có nhiều lỗ hơn và giọng điệu của khèn pây bổng trầm hết sức liêu trai khi được thổi lên. Hồ Cao nói: “Tiếng khèn pây là để tiễn hồn về với trời, với tổ tiên, thổi càng hay thì dao đứng càng lâu, mình thổi cho dao đứng lâu nhất là 30 phút. Khi mọi thứ đã xong thì có cố thổi mấy, khèn cũng không lên được hơi và A Châu cũng không muốn đứng nữa, vì hồn người Vân Kiều lúc đó đã thật sự rời khỏi bản làng, không bao giờ vương vấn”.
Những cuộc xana chiết
Theo Hồ Cao và những bậc bô lão Vân Kiều dưới núi Răng Lược, người Vân Kiều khi sinh ra được làm lễ buộc chỉ cỏ máu, sợi chỉ nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng, với mong muốn hồn đứa trẻ không bỏ nó mà ở lại trần thế với xác thịt. Từ đó, gia đình lập bàn thờ, giỗ sống đứa bé vào ngày 18-8 mỗi năm, đấy gọi là lễ xana chiết, bàn thờ cho nó là chiếc bát bỏ trong giỏ tre rừng, sát cột nhà ma. Lúc 8 tuổi, thiếu niên Vân Kiều được tổ chức lễ mừng hồn, đó là lúc người Vân Kiều tin hồn của đứa bé đã gắn chặt với thân xác, không đột ngột về trời. Và chiếc bát trong giỏ tre sẽ đưa lên cao hơn một bậc. Khi 18 tuổi, cánh tay chàng trai Vân Kiều đủ rộng như đôi cánh đại bàng lớn, được gia đình làm lễ rặp chăm pa rơ, mừng hồn trưởng thành. Cái bát thờ của mạng sống chàng trai lại đưa lên sát mái nhà sàn, bắt đầu một cuộc đời thông minh với những kỹ năng săn bắn giữa núi rừng.
Già Hồ Cao đã có 7 đứa con được đưa bàn thờ sống lên sát mái nhà sàn, thể hiện sự trưởng thành của tất thảy cả 7 người và hồn của 7 đứa được bảo vệ bởi cột nhà ma thiêng liêng với nhân sinh quan của họ. Hồ Cao kể: “Mỗi năm đến ngày 18-8 sẽ phải giỗ sống chúng, dù chúng đã có vợ rồi cũng phải về đây chịu lễ gà, heo để mời bản giỗ sống, làm thế để chúng biết hồn chúng đang còn và biết điều với tổ tiên đã cho chúng cái hồn để làm người”. Từ cách giữ hồn của người Vân Kiều mới hiểu ra rằng, con dao A Châu quý với dân bản Làng Ho như thế nào, bởi khi đã mất, hồn vẫn còn vương vấn không về trời được và phải có con dao đó như cách thức cắt đứt sợi chỉ mà đứa trẻ đã được buộc từ ngày mới sinh và tiếng khèn pây là để bay bổng và siêu thoát cho hồn lên cõi giới như một sứ mệnh đã hoàn thành, nhằm chuẩn bị cho cuộc tái sinh khác. Hồ Cao nói: “Chúng tôi tin vào hồn và giỗ sống, tin vào Giàng và núi non ở đây, tất cả đều có hồn và khi xong cuộc đời, hồn có quyền về trời để chuẩn bị trở về cho một đứa bé khác, ở đâu đó trong một bản làng nào đó, thế là mãn nguyện rồi”.
Lễ cà răng mất dần trên đỉnh núi
Già Hồ Cao được tục truyền bảo vật A Châu và khèn Pây không phải vì có dòng giống của già làng mà ông có uy tín bởi là người duy nhất trong vùng thể hiện uy lực chiến binh Vân Kiều qua tục cà răng hay còn gọi tục cưa răng. Đó là một luật tục đã thật sự biến mất trên dãy Răng Lược hùng vĩ, bởi tính hoang dã và đẫm máu của nó. Nay, câu chuyện về tục cà răng chỉ còn được kể như mộng đẹp của những đêm Khan bên bếp lửa nhà làng.
Và chúng tôi may mắn nghe Hồ Cao kể về tục cà răng mà ông trải qua: “Mình lớn lên được bản và bố mình, ông nội mình chọn là già làng tương lai khi A Châu đưa họ về trời. 18 tuổi, bốn người trai lực lưỡng Vân Kiều đưa mình ra suối, họ giữ hai tay và hai chân mình nằm ngửa trên tảng đá, một thầy cúng của bản dùng đá sắc lẹm như mũi tên mài răng của mình, họ mài chảy máu răng, đau đớn, nhưng làm lễ cà răng đó là để chứng minh mình sẽ dẫn dắt bản làng, được dân bản gọi là chiến binh, oai lắm. Họ mài hàm dưới của mình sát nướu, hàm trên mài vài cái, ngày đó thế là oai lắm. Họ mài mất hai ngày. Mài xong họ bỏ lá cây Kỳ chắc để khỏi bị chảy máu. Sau lễ đó, bản bắt mình xuống suối bắt 7 con cá xanh để cúng Giàng, làm lễ chiến binh, từ đó bản làng tôn kính mình lắm. Lúc đó họ xem mình đẹp trai, cô gái bản nào nhìn cũng ưng, nay lễ cà răng bỏ rồi, nhìn mình xấu, mấy đứa trai Vân Kiều trẻ nay không cà răng mà đẹp”.
Hồ Cao vừa kể, vừa tiếc nuối hàm răng nhưng cũng tiếc nuối về ý đẹp của luật tục giữa núi rừng hoang dã đã khuất dần trên đỉnh núi. Theo ông, tục đó đã theo A Châu về trời, và ông là người cuối cùng còn sót lại. Truyền nhân già làng của dòng họ Hồ Cao cũng đã được chọn, là cháu nội của đứa con cả, nhưng tục cà răng không còn áp dụng, bởi theo Hồ Cao, phải thích nghi với giới trẻ hiện nay.
MINH PHONG