Mỗi sáng, trong dòng người vội vã đến cơ quan, công sở, không ít người đã tấp vào góc vỉa hè đường Võ Thị Sáu (gần Công trường Dân Chủ, quận 3, TPHCM) hay trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) để mua một chai sữa. Xe sữa của các sinh viên này được bày bán khá ấn tượng và người bán luôn nở nụ cười cùng với tấm biển ngộ nghĩnh: Tụi con bán sữa.
Sinh viên tham gia dự án bán sữa tại góc đường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM
Chúng tôi tìm đến “đại bản doanh” của nhóm sinh viên “Tụi con bán sữa” tại một chung cư gần Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11). Người khởi xướng cho những xe sữa tại các góc phố, vỉa hè của TP là chàng sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tên Nguyễn Thanh Trà. “Dự án này chúng em ấp ủ từ năm 2014 với mục tiêu đưa đến người tiêu dùng loại sản phẩm xanh - sữa là từ thực vật”, Trà nói. Điều khiến Trà trăn trở và hình thành nên dự án này, bởi lẽ “thấy người tiêu dùng phải sử dụng những sản phẩm công nghiệp, đóng chai khá lâu, có chất bảo quản nhưng hàm lượng dinh dưỡng thì không bao nhiêu”. Từ suy nghĩ này, Trà muốn đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm xanh, làm từ nguyên liệu tự nhiên như đậu nành, bắp… vốn sẵn có.
Nghĩ là làm, Trà xây dựng dự án và kêu gọi nhóm bạn cùng chung tay. “Em đã tìm đến nhiều cơ sở và uống thử nhiều loại sữa đậu nành, bắp và cuối cùng chọn được một cơ sở nấu sữa bắp ở Gò Vấp. Chị chủ cơ sở thương đám sinh viên nên đồng ý cho mượn luôn cơ sở, máy móc rồi hướng dẫn cách nấu”. Mỗi bạn góp 3 triệu đồng làm vốn. “Do chưa biết cách làm, chỉ 5 tháng là đứt vốn, nhiều bạn nản chí, tan hàng. Em rất buồn nhưng nghĩ, bỏ cuộc thì dở quá”, Trà tâm sự.
Rồi Trà gầy dựng lại, kêu gọi bạn mới, làm lại dự án trên cơ sở đánh giá nguyên nhân thất bại mà chủ yếu là chưa biết cách tiếp thị và sản phẩm không đặc sắc.
Phải mất nhiều tháng để khởi động lại: tìm hiểu thị trường và quy trình sản xuất, chia sẻ thêm kinh nghiệm từ nhiều lò nấu sữa. Duyên đã đến: Vợ chồng một cô chú khá thân thiện với nhóm đồng ý chia sẻ kinh nghiệm, nhận trách nhiệm nấu sữa, nhóm lo tiếp thị sản phẩm. Khởi động, xe sữa trên đường Lý Thường Kiệt chỉ bán được trung bình 20 chai/ngày.
“Tụi em lo lắm, bàn bạc tới lui, phải chào khách mới được”, Trà nói. Tấm biển “Tụi con bán sữa” với xe sữa có màu xanh dương đặc trưng và các “nhân viên” không ngại vẫy tay chào mời khách đã thật sự gây ấn tượng cho nhiều người. Dương Thị Thanh Hằng, sinh viên Đại học FPT, kể: “Em rất muốn được trải nghiệm nên xin tham gia dự án này. Ngày đầu đứng bán, ngại lắm. Từ ngày cả nhóm xuống đường chào khách, nào “Sữa xanh xin chào” hay “Chúc anh (chị) ngày mới vui vẻ” riết rồi quen… Có bạn lúc đầu mắc cỡ nhưng thấy bạn bên cạnh chào mãi nên dần tự tin hơn”. Doanh số bán sữa tăng vọt 30% tuần đầu tiên. Tiếp sau xe sữa trên đường Lý Thường Kiệt là điểm bán gần Công viên Lê Thị Riêng, rồi đường Võ Thị Sáu (gần Công trường Dân Chủ), bình quân mỗi xe bán được 50 chai/ngày.
Dự án lúc này đã được nhiều bạn trẻ quan tâm, hơn 30 bạn đến từ các trường đại học xin tham gia. Tiếp sức cho hành trình của nhóm trẻ, anh Đặng Minh, giám đốc một công ty có nguồn hàng trồng sạch như bắp, đậu nành, đậu xanh… nhận cung cấp nguyên liệu cho khâu sản xuất. “Giờ mỗi xe bán được hơn 100 chai/ngày và điều còn lại của nhóm là đầu tư nâng cấp bao bì, nhãn hiệu”, Trà tâm sự.
Dự án đã giúp nhiều bạn trẻ “khởi nghiệp” với chính mình. Nguyễn Đình Vỹ, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “Em muốn được phát triển bản thân nên tham gia dự án và học được nhiều điều”. Còn Dương Thị Thanh Hằng thiệt thà cho biết, tham gia dự án đã giúp bản thân vượt qua sự rụt rè, được sống với tập thể này như một gia đình.
THƯ LÊ