Hệ lụy từ việc sử dụng túi ni lông là không thể chối bỏ. Ít thì gây chai hóa đất sản xuất, nặng thì gây tắc nghẽn hệ thống hạ tầng đô thị, làm gia tăng tình trạng ngập lụt và gây ảnh hưởng chất lượng xử lý chất thải. Mặt khác, với những loại túi ni lông kém chất lượng có thể gây tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng làm cách nào để có thể loại bỏ sản phẩm này trong cuộc sống lại là điều không đơn giản...
Sử dụng túi ni lông, thói quen ăn sâu nếp nghĩ
Dạo vòng quanh chợ Soái Kình Lâm (Đồng Khánh), Kim Biên, Bình Tây… quận 5 - khu vực sử dụng túi ni lông khá nhiều trên địa bàn TPHCM, chúng tôi thấy trung bình mỗi tiểu thương sử dụng khoảng từ 2 - 10kg túi mỗi ngày. Các dạng túi ni lông cũng rất khác nhau và có giá khoảng từ 22.000 - 36.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, chủ sạp bán vải tại chợ cho biết, phần lớn các tiểu thương không tự đi mua túi ni lông mà có người đến tận sạp chào bán. Ngày nào họ cũng có người thường trực tại đây, chỉ gọi điện thoại là được cung cấp. Khi được chúng tôi hỏi về chất lượng các loại túi cũng như tác hại khi sử dụng nhiều túi ni lông, phần lớn các tiểu thương chỉ cười.
Chị Tăng Hồ Mỹ, chủ sạp vải áo dài trên đường Trần Hưng Đạo B, cho biết, chủ yếu là bao bì phải chắc, nhất là những loại túi kích cỡ lớn, cần đựng cho nhiều vải chuyển cho những người mua sỉ mà phải vận chuyển về tỉnh. Còn với khách bán lẻ không cần quan tâm lắm vì một sấp vải thường rất nhẹ. Riêng với loại túi ni lông tự hủy cũng có số ít tiểu thương biết đến. Chủ yếu do hội phụ nữ quận có tuyên tuyền và phát sử dụng thử. Tuy nhiên, do loại túi này không được phổ biến lại không có “cơ chế” bán tận sạp nên không mấy chủ sạp hàng quan tâm sử dụng.
Xung quanh khu vực này còn có đến hàng trăm cửa hàng chuyên cung cấp sỉ và lẻ bao bì ni lông. Trong vai người đi mua túi ni lông, chúng tôi đã thử đến hàng chục cửa hàng dọc đường Hải Thượng Lãn Ông để tìm mua túi ni lông tự hủy nhưng ở đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Rời khu vực quận 5, chúng tôi tìm đến khu vực chợ Xóm Củi, quận 8. Nhiều tiểu thương không khỏi khó chịu khi được chúng tôi hỏi về việc tại sao không sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường như túi sử dụng nhiều lần hoặc túi tự hủy. Chị Hoàng Lê, chủ sạp bán đồ khô tại chợ, khẳng định: “Với chúng tôi loại túi nào giá rẻ mà tiện dùng thì dùng thôi. Còn với túi sử dụng nhiều lần có lẽ chỉ phù hợp với siêu thị chứ bán lẻ ở chợ ít thấy khách hàng nào xách túi sử dụng nhiều lần đi chợ. Nếu bán mà tặng túi hay nhắc người mua phải sử dụng túi nhiều lần thì mất lòng khách lắm”. Không chỉ vậy, hiện với giá từ 22.000 - 36.000 đồng/kg túi ni lông thông thường thì túi ni lông tự hủy khó có thể cạnh tranh được. Và đó chính là thực trạng chung lý giải tại sao túi ni lông thông thường vẫn là sản phẩm được ưu tiên sử dụng phổ biến trong cộng đồng nói chung.
Thay đổi thói quen, quá khó!
Ông Hồ Tuấn Kiệt, Phó phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Bao bì Vafaco, cho biết, công ty chuyên sản xuất bao bì tự hủy và từ năm 2012, sản phẩm của công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận là bao bì tự hủy. Trung bình giá khoảng 44.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện sản phẩm của công ty chuyên cung cấp cho hệ thống siêu thị tại TPHCM nhưng với hệ thống phân phối dành cho thị trường bán lẻ rất hạn chế. Nguyên nhân về mặt chênh lệch giá thành chỉ là yếu tố nhỏ. Vấn đề quan trọng chính là do ý thức của người tiêu dùng chưa sử dụng bao bì tự hủy.
Đồng thuận với quan điểm này, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, cho biết thêm, theo nghiên cứu do Quỹ Tái chế thực hiện, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành tiêu thụ khoảng 70 tấn túi ni lông. Trong thời gian qua, quỹ đã phát triển rất nhiều chương trình vận động cộng đồng tăng cường sử dụng những sản phẩm có lợi hơn cho môi trường, giảm thiểu sử dụng túi ni lông, nhưng thực sự hiệu quả rất khó đạt như mong muốn. Hơn nữa, về giá thành cũng là điều cần xem xét thêm. Hiện đang có rất nhiều cơ sở sản xuất túi ni lông mà không hề đăng ký kinh doanh. Hay nói đúng hơn là trốn thuế nên giá thành họ bỏ cho tiểu thương, người buôn bán lẻ rất thấp, chưa tới 20.000 đồng/kg. Vậy làm sao các sản phẩm túi thân thiện với môi trường “chính hãng” có thể cạnh tranh nổi.
Không cải thiện được thói quen tiêu dùng, mọi gánh nặng về việc sử dụng túi ni lông quá mức đang đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị, cho biết, hiện tỷ lệ ni lông trong rác thải thu gom chiếm khoảng 10%/tổng lượng rác thải (khoảng 7.000 tấn/ngày). Điều này khiến giải pháp xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp gặp nhiều khó khăn, bởi vì thời gian phân hủy rác lâu, chi phí xử lý tốn kém. Quan trọng hơn là khả năng tái sử dụng lại bãi chôn lấp bị kéo dài trong khi thành phố đang rất thiếu đất dành cho xử lý chất thải.
Hiện công ty đang phải tìm giải pháp xử lý túi ni lông trước khi đưa vào bãi chôn lấp, song cần thiết hơn vẫn là phải giảm thiểu từ đầu nguồn sử dụng. Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh thêm, trong tổng số túi ni lông sử dụng, có rất ít lượng túi đến được bãi chôn lấp rác. Còn lại là thất thoát chưa kiểm soát được và rất có thể tình trạng ngập nước do tắt hệ thống thoát nước chính từ thói quen sử dụng túi ni lông quá mức từ phía người dân thải ra môi trường.
ÁI VÂN