Tại cuộc họp báo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 14-2, trả lời câu hỏi về thông tin “xem xét mua bán - sáp nhập, hợp nhất khoảng 5 - 8 ngân hàng yếu kém trong quý 1-2012” được Ngân hàng Nhà nước công bố trước tết, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết quá trình này “vẫn đang được triển khai”. Tuy nhiên, theo ông Tiến, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một vấn đề lớn và phức tạp, có tác động mạnh tới nhiều mặt của nền kinh tế, nên không phải nói là làm ngay được.
Những giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ tại Chỉ thị số 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được công bố tại buổi họp báo chính là cơ sở để từng bước tái cấu trúc hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong đó, nổi bật là việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo 4 nhóm. Nhóm 1 gồm những ngân hàng hoạt động tương đối an toàn, lành mạnh. Trong năm 2012, nhóm này được phép tăng trưởng tín dụng tối đa là 17%. Nhóm thứ hai yếu hơn một chút thì được tăng trưởng 15%.
Nhóm thứ 3 ở mức độ thấp hơn nữa, được tăng trưởng 8%. Còn nhóm thứ 4 thuộc diện phải cơ cấu lại, có nhiều nguy cơ và biểu hiện mất an toàn thì không được tăng trưởng tín dụng.
Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo nhóm được xem là giải pháp thích hợp để khắc phục bất cập kiểm soát tín dụng “cào bằng” của năm 2011. Chia các ngân hàng mạnh hay yếu vào các nhóm khác nhau để có các chính sách hay giải pháp phù hợp cũng là một yếu tố quan trọng để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Theo định hướng, trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá chia các tổ chức tín dụng thành 3 loại: lành mạnh, thiếu thanh khoản tạm thời và yếu kém. Các tổ chức tín dụng lành mạnh sẽ được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. Các tổ chức tín dụng tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ để phục hồi, đồng thời phải chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn. Các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu tổ chức tín dụng yếu kém không thể phục hồi được thì phải được kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn chung của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Một vấn đề khác đang được thị trường và người dân quan tâm là việc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không công bố tên cụ thể các ngân hàng ở từng nhóm. Theo lời Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, hiện “có khoảng mươi tổ chức tín dụng yếu kém” sẽ thuộc nhóm không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 để tái cơ cấu lại. Việc không bố tên và số lượng cụ thể các tổ chức tín dụng yếu kém được giải thích rằng nhằm tránh hiệu ứng tâm lý, người gửi tiền ở các tổ chức tín dụng này có thể lo ngại đi rút tiền hàng loạt dẫn tới sụp đổ hệ thống. Điều này không phải là không có lý. Nhưng thực tế, khi đã xếp các tổ chức tín dụng vào nhóm để phân bổ chỉ tiêu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ phải thông báo cho các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, sẽ rất khó “giữ bí mật” danh sách các ngân hàng thương mại bị xếp trong nhóm yếu kém, vì bản thân các ngân hàng này phải công khai mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong đại hội cổ đông. Khi đó, chắc chắn thông tin sẽ rò rỉ một cách không chính thức ra thị trường. Và tin đồn thì bao giờ cũng mang lại hậu quả nặng nề hơn thông tin chính thức. Vì thế, việc công bố hay không công bố thông tin về các tổ chức tín dụng yếu kém cần được cơ quan điều hành chính sách tiền tệ tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.
Điều quan trọng là phải bảo đảm mục tiêu tái cấu trúc ngân hàng nhưng giữ được ổn định, tránh đổ vỡ theo kiểu “đánh chuột mà không đổ bình” - như lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu trước Quốc hội.
B. MINH