Từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới” - Bài 5: Truyền “đạm” cho doanh nghiệp

Hơn 84.000 doanh nghiệp (DN) đã phải rời bỏ thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021. Việc thắt chặt giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 rất cần thiết nhưng đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng sản xuất. Giãn cách thời gian dài cũng giúp DN nhận diện thị trường sâu sắc hơn, giúp họ hiểu rằng để tái hoạt động hiệu quả, nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.
Đo thân nhiệt trước khi tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên Công ty Nidec (Khu công nghệ cao TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đo thân nhiệt trước khi tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên Công ty Nidec (Khu công nghệ cao TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cần chính sách tài chính đa dạng

Với nhận định không thể kiểm soát, đưa nước ta trở về trạng thái “không Covid-19” như năm 2020, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM, đề nghị chọn giải pháp sống chung với dịch để mở rộng hoạt động sản xuất. 

Đây cũng là thời điểm DN tìm kiếm nguồn vốn vay bổ sung với những phương thức linh hoạt, phù hợp với thực lực hiện tại lẫn định hướng tương lai của từng đơn vị. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng, DN cần được hỗ trợ tái khởi động sản xuất, kinh doanh bằng các chính sách tài chính đa dạng. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải tính toán giảm lãi suất vay trên dư nợ vay của DN hay khoanh nợ, giãn nợ cho DN, nhưng việc triển khai trong thực tế chưa đồng đều. Ông Vũ Nam Chiến, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Tân Nhất Hương, cho biết, mức lãi suất vay mà DN được giảm phổ biến 0,2-0,5%, vẫn thấp hơn mức 1% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép ngân hàng thương mại điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản đang thế chấp đối với những DN uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai. Điều đó sẽ giúp DN tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% như hiện nay lên 85% và giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp. Đồng thời xem xét lại cơ cấu nguồn vốn vay giữa trung hạn, dài hạn và ngắn hạn đối với DN ngành sản xuất trong giai đoạn này, trong đó ưu tiên được tiếp cận vốn vay dài hạn nhiều hơn vốn ngắn hạn như hiện nay. Các ngân hàng có thể tiếp tục cân nhắc, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ; cho vay tín chấp đối với DN thuộc các ngành đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh; hoặc cho vay đầu tư cơ sở điều trị, trang thiết bị y tế, nghiên cứu vaccine. 

Thêm nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, kiến nghị triển khai nhanh, đa dạng các gói hỗ trợ an sinh xã hội để người lao động có điều kiện quay trở lại nhà máy, nơi làm việc. Người lao động cũng cần được hỗ trợ chi phí nâng cao năng lực chuyên môn để có thể chuyển nghề do mất việc hoặc thay đổi việc làm. Đặc biệt, thành phố tiếp tục hỗ trợ DN thiết lập, tổ chức được nhà ở, khu lưu trú cho công nhân. 

DN cũng mong các cơ quan chức năng xem xét, ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho những đơn vị du lịch, dịch vụ phải ngừng hoạt động thời gian qua. Trên hết, TPHCM tiếp tục quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, cũng như giảm các yếu tố liên quan đến chi phí sản xuất cho DN như tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển…

Bà Lý Kim Chi chia sẻ thêm, có đến 60% DN chế biến lương thực thực phẩm tập trung tại TPHCM. Tuy nhiên, 90% nguyên liệu để phục vụ sản xuất của họ lại chủ yếu nằm ở miền Tây Nam bộ và miền Trung. Nếu mở cửa kinh tế TPHCM nhưng vẫn áp giãn cách xã hội chặt chẽ với vùng nguyên liệu, DN ở thành phố cũng khó tái hoạt động.

Việc hỗ trợ vốn và nâng cao trình độ quản trị là 2 yếu tố rất quan trọng để hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Vấn đề quan trọng không kém là hoàn thiện khâu logistics. Theo đó, đơn vị vận chuyển hàng hóa phải được số hóa quản lý về y tế dịch tễ (được tiêm vaccine, định kỳ xét nghiệm Covid-19), lộ trình nhận và giao hàng, thu hộ, chi hộ…

Về vấn đề vốn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM, cho biết, với Quỹ Kích cầu đầu tư phát triển, DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay đến 200 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ và dây chuyền sản xuất. Theo ông, diễn biến dịch Covid-19 vừa qua tạo điều kiện cho quá trình thương mại số (mua bán online với shipper giao hàng) thay thế thương mại truyền thống (giao dịch trực tiếp) diễn ra nhanh hơn. Do vậy, cơ quan chức năng nên sớm hình thành sàn giao dịch thương mại, xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, tiêu chuẩn, kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa. Người bán và người mua sẽ trả phí tham gia giao dịch hàng hóa qua sàn. Trong khi đó, thông qua việc giao dịch thương mại số sẽ tạo nền tảng dữ liệu để cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn vấn đề khai báo và nộp thuế của các DN.

Tin cùng chuyên mục