Để đô thị phát triển bền vững, cuộc sống người dân ổn định thì từng ngôi nhà trong thành phố cũng phải được xây dựng đúng quy định, Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng TPHCM, khẳng định như vậy.
Có lẽ vì thế mà trong thời gian vừa qua, nhiều ngôi nhà bị nghiêng, lún, nứt ở quận Bình Thạnh TPHCM dù chưa để lại những hậu quả nghiêm trọng đến mức đổ sụp hoặc quá mất an toàn như một số ngôi nhà ở thủ đô Hà Nội song chúng cũng làm cho không ít người dân sống trong khu vực bất an.
Khách quan mà nói, UBND TPHCM đã rất nhanh chóng xử lý vấn đề này. Ngày 7-4-2011 UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng đã có văn bản gửi các quận, huyện đề nghị khẩn trương kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn có hiện tượng nghiêng, lún, nứt…, thống kê và báo cáo về Sở Xây dựng để theo dõi. Trường hợp nhà đã được đánh giá ở trong tình trạng nguy hiểm, các quận, huyện phải cương quyết buộc chủ nhà khắc phục hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế khắc phục, có thời hạn cam kết hoàn thành; nếu cần thì buộc di dời, không để tiếp tục sử dụng theo hiện trạng.
Tuy nhiên, “đây có phải là động thái chữa cháy”? Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định: “Không phải. Ngay trong giấy phép xây dựng mà các quận, huyện cấp cho người dân khi người dân xin phép xây nhà đã có rất nhiều lưu ý về kỹ thuật xây dựng cho chủ nhà”. Thế nhưng, như ông Nguyễn Văn Hiệp nói, vấn đề là còn khá nhiều bất cập trong hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quản lý xây dựng nên hiệu quả quản lý xây dựng nhà riêng lẻ trong đô thị còn chưa cao.
Đơn cử, theo nhiều quy định của Bộ Xây dựng, nhà riêng lẻ có diện tích dưới 250m² và có dưới 3 tầng lầu thì chủ đầu tư mà cụ thể là các hộ dân có thể tự thiết kế, thi công. Có bao nhiêu chủ nhà trong số này am hiểu kỹ thuật xây dựng để có thể tự xây nhà? Không ai rõ nhưng có lẽ không nhiều. Tuy thế số lượng loại nhà này hiện lại đang chiếm tới gần 50% nhà ở riêng lẻ ở TPHCM. Chưa hết, trong khi Luật Xây dựng quy định nhà thầu xây dựng phải mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho bên thứ 3 liên đới thì Luật Bảo hiểm lại không bắt buộc. Đa phần các nhà thầu chọn làm theo… Luật Bảo hiểm.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, ở nhiều nước trên thế giới, việc mua bảo hiểm thiệt hại cho bên thứ 3 là bắt buộc và sự tham gia của ngành bảo hiểm đã giúp giải quyết rất nhiều vấn đề rắc rối phát sinh trong quá trình xây dựng. Chỉ nói ở góc độ bảo vệ quyền lợi của đơn vị bảo hiểm, khi các đơn vị bảo hiểm phân công nhân viên kỹ thuật đến theo dõi các công tác xây dựng “vô hình trung” sẽ giúp thêm “tai mắt” cho cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý xây dựng, vốn đang rất thiếu nhân lực nếu nói riêng ở TPHCM.
TÂM ĐỨC