Tưới nước tiết kiệm hiệu quả

Khô hạn lan rộng, nguồn nước tưới cạn kiệt làm đau đầu những người làm vườn ở nhiều tỉnh, nhất là Đông Nam bộ. Nhiều giải pháp được người làm vườn thực hiện (nạo vét, giữ nước, đào giếng nổi, giếng ngầm, tưới đêm…) nhưng hiệu quả không cao. Gần đây mô hình tưới nước tiết kiệm trong vườn cây ăn trái bước đầu phát huy tác dụng, được người làm vườn vùng cây ăn trái Đồng Nai áp dụng.

Đồng Nai, thủ phủ cây ăn trái Đông Nam bộ, chủ yếu sử dụng nước trời để tưới. Gần đây có gần 1.500ha cây trồng được chăm sóc bằng hệ thống tưới tiết kiệm qua đường ống tưới. Ở nhiều huyện, thị xã như Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu,… nông dân vay vốn đầu tư hệ thống tưới này. Nổi nhất là xã Hưng Lộc (huyện Trảng Bom) có trên 100 hộ dân sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên 120ha cây ăn trái hiệu quả.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Phước (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) với 6ha vườn trồng quýt, chôm chôm, sầu riêng, xoài, trước kia khi tưới bồn, sản lượng quýt đạt khoảng 5 tấn/400 gốc; Nay sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sản lượng đã tăng lên 10 tấn, trái lại đẹp nên bán giá cao. Đặc biệt cây sầu riêng, cho trái không bị sượng như trước, năng suất ổn định 10-15 tấn/ha.

Chủ vườn cây Nguyễn Văn Huệ (Thị xã Long Khánh) là người mạnh dạn tìm hiểu đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho biết, chỉ cần 15 - 20 triệu đồng/ha và sau 1 năm thực hiện, năng suất vườn tiêu đạt khoảng 6 tấn/ha, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng/ha, gấp 4 lần so với trước. Tưới theo kiểu này cây trồng ít bị bệnh nên có thể giảm gần 3 - 4 triệu đồng/ha/mỗi năm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt. Một số nông dân cho biết, sau khi tham quan, ông đã đầu tư hệ thống này cho vườn nhà, vào mùa khô vẫn đủ nước tưới vườn cây lại giảm được hơn 10 triệu đồng/ha/năm tiền công tưới, công bón phân nhưng năng suất cây trái còn tăng nên chỉ cần một năm là thu hồi vốn và có lời.

Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, với mức đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm chỉ khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha (tùy chất liệu của bồn đựng nước, đường ống dẫn nước và mật độ cây trồng) có thể duy trì việc tưới nước trên 5 năm; chỉ cần thu hoạch trúng 1 năm có thể bù đắp được chi phí lắp đặt. Có nơi còn sáng tạo thêm hệ thống ống nhựa để đưa nước lên bồn chứa cao để từ đó tưới ra diện rộng hoặc tưới nhỏ giọt từng gốc cây cần nước tưới hàng ngày.

Ngoài ra, có nhà vườn còn kết hợp bón phân qua đường ống, vừa tiết kiệm được 1/4 lượng phân bón so với cách bón thủ công và giảm được 80% công lao động, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Hệ thống trên còn giúp giảm được hơn 50% lượng nước tưới cho mỗi hécta cây ăn quả, tiết kiệm khoảng 2,5 triệu đồng so với cách tưới tràn; góp phần giải quyết khan hiếm lao động nông nghiệp và tiết kiệm 30%-50% lượng nước tưới. Nhà vườn không tốn công đào mương dẫn nước và bón phân cho từng cây; không phải làm bồn cho cây để giữ nước, không bị lây lan dịch bệnh, ít bị rụng hoa và trái non, làm tăng năng suất vườn hàng năm lên 20%-25%. Nếu kết hợp thêm với việc trồng cây phân xanh để ủ gốc thì hiệu quả còn cao.

ĐẶNG VĂN THÀNH

Tin cùng chuyên mục