Tuổi teen trước vấn nạn bạo lực học đường

Hôm nọ tôi đến nhà chị bạn chơi gặp lúc cháu Vy, con gái chị học lớp 8 vừa đi học về. Thấy “hai mẹ” đang ngồi tám chuyện vui vẻ, cháu sà vào ngồi giữa hai chúng tôi rồi hồn nhiên kể: “Mắc cười lắm mẹ, hồi nãy trên lớp đang học tiết văn, thầy giáo hỏi cả lớp: Các em hãy cho thầy một từ đồng nghĩa với từ “đánh”. Thầy vừa dứt lời, bạn nữ trong nhóm “tứ cô nương” đã nhanh nhảu trả lời: binh, đục, xốp, xử, bụp… Cả lớp cười rần rần, nhất là mấy bạn nam. Con cũng mắc cười nhưng rồi thấy ghê ghê thế nào ấy… Bạn ấy là con gái mà ngó “giang hồ” hết sức luôn…”. Có lẽ cảm thấy một nỗi bất an mơ hồ nào đó, chị bạn tôi nhắc nhở cô con gái tuổi teen của mình: “Con hết sức tránh, đừng bao giờ để đụng chạm gì với các bạn ấy nhé!”.
Tuổi teen trước vấn nạn bạo lực học đường

Hôm nọ tôi đến nhà chị bạn chơi gặp lúc cháu Vy, con gái chị học lớp 8 vừa đi học về. Thấy “hai mẹ” đang ngồi tám chuyện vui vẻ, cháu sà vào ngồi giữa hai chúng tôi rồi hồn nhiên kể: “Mắc cười lắm mẹ, hồi nãy trên lớp đang học tiết văn, thầy giáo hỏi cả lớp: Các em hãy cho thầy một từ đồng nghĩa với từ “đánh”. Thầy vừa dứt lời, bạn nữ trong nhóm “tứ cô nương” đã nhanh nhảu trả lời: binh, đục, xốp, xử, bụp… Cả lớp cười rần rần, nhất là mấy bạn nam. Con cũng mắc cười nhưng rồi thấy ghê ghê thế nào ấy… Bạn ấy là con gái mà ngó “giang hồ” hết sức luôn…”. Có lẽ cảm thấy một nỗi bất an mơ hồ nào đó, chị bạn tôi nhắc nhở cô con gái tuổi teen của mình: “Con hết sức tránh, đừng bao giờ để đụng chạm gì với các bạn ấy nhé!”.

Sinh hoạt tập thể sẽ giúp các em học sinh thân thiện và có kỹ năngứng xử với bạn bè

Tôi hiểu nỗi lo lắng của bạn tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ khác có con đang ở tuổi teen trước những thông tin về nạn bạo lực học đường xảy ra như cơm bữa. Cứ vài ngày trên mạng lại xuất hiện một đoạn clip quay lại cảnh học sinh đánh nhau, khi thì ở ngoài đường, lúc ở ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến, hò hét cổ vũ của nhiều học sinh khác. Không chỉ các vụ đánh nhau giữa học sinh nam với các màn hùng hổ đấm đá, phang nhau bằng gạch, đá, gậy gộc… mà cả những vụ hỗn chiến giữa các nữ sinh với cảnh lao vào nhau túm tóc, xé quần áo, kèm theo những lời chửi mắng, dọa dẫm không khác gì dân giang hồ.

Trở lại câu chuyện của chị bạn, tôi biết bạn tôi hạnh phúc hơn nhiều bậc cha mẹ khác là hai đứa con của chị rất ngoan. Chị dành nhiều thời gian cho con, chăm sóc từ chuyện ăn mặc đến học hành, chuyện quan hệ bạn bè của con, nhất là đối với cô con gái. Chị kể, trước đây có lần thấy cháu đi học về với vẻ mặt cau có, mệt mỏi, không tíu tít kể chuyện như mọi khi, chị gặng hỏi mãi cháu mới kể: “Sáng nay, giờ ra chơi, nhóm “tứ cô nương” ở lớp con túm tụm một góc phòng bàn chuyện rôm rả; thấy con đi tới, tụi nó tự nhiên im thin thít rồi còn nhìn con vẻ dò xét. Mỗi lần con nhìn bạn nào trong nhóm đó cũng đều bắt gặp bạn đó đang nhìn con với ánh mắt vừa nghi ngại vừa thách thức. Con lo lắm, không biết mình đã làm gì hoặc bị hiểu lầm điều gì mà mấy bạn đó có thái độ như vậy”. Suốt mấy ngày sau đó, con bé cứ sống trong nỗi hoang mang lo sợ như vậy, vẻ hồn nhiên vô tư vốn có của nó dường như không còn nữa dù chị bạn tôi hết lời động viên, trấn an. Cuối cùng bạn tôi đành gọi điện, hẹn gặp cô chủ nhiệm để tìm hiểu nguyên nhân. Cô giáo cho biết, nhóm bạn đó là các em con nhà khá giả, học lực kém nhưng hay chưng diện và đua đòi nhất lớp. Cháu Vy nằm trong số các học sinh giỏi của lớp và ít nói nên bị một số bạn xem là “chảnh”, nhất là nhóm “tứ cô nương”. Có lần cô gọi một em trong nhóm này lên bảng giải bài tập, nhưng em này không giải được. Cô gọi Vy lên giải và được cô khen trước lớp. Từ đó các bạn trong nhóm đó đâm ra có ác cảm với Vy…

Những chuyện như vậy hầu như ở lớp học nào, ngôi trường nào, địa phương nào cũng có. Vấn đề là thầy cô giáo và phụ huynh học sinh sớm nắm bắt và tìm cách hóa giải để mối quan hệ giữa học sinh đừng trở nên tồi tệ đến mức có thể dẫn đến những vụ bạo lực học đường. Bạn tôi kể, sau buổi trò chuyện với chị, nghe chị gợi ý, cô giáo chủ nhiệm đã quan tâm đến các em hơn. Cô làm nhiều động thái tỏ ra tin tưởng nhóm học sinh cá biệt kia; cô cố tình phân công Vy vào cùng một nhóm với các em cá biệt để các em cùng thực hiện một đề tài điều tra xã hội học. Các em đã rất thích thú với sự phân công của cô chủ nhiệm nên bận rộn tất bật làm việc cùng nhau, khi thì cùng đi chụp ảnh, cùng sưu tầm tài liệu, không còn thời gian rảnh rỗi để làm những chuyện vô bổ nữa. Từ đó cháu Vy không còn bị ác cảm, cháu đã lấy lại được nét hồn nhiên như xưa. Câu chuyện của chị bạn tôi quả là một kinh nghiệm thú vị cho các bậc phụ huynh và cả các thầy cô giáo đang dạy các lớp học sinh ở tuổi teen.

Ở lứa tuổi này, các em dễ bị kích động, chỉ cần một em xướng lên “nhỏ X. lúc nào cũng ra vẻ như mình đẹp, học giỏi lắm vậy” là nhiều em khác bắt đầu chĩa mũi dùi vào em này với những lời bàn ra tán vào đầy ác ý. Nhiều khi cũng dẫn đến một trận dằn mặt cho bớt cái tội… đẹp, học giỏi. Chính vì thế, phụ huynh cần hết sức quan tâm đến đời sống tinh thần của các em. Không chỉ động viên con em mình sống hòa đồng với bạn bè và chuyên chú vào việc học tập mà còn phải dạy các em kỹ năng ứng xử để tránh dẫn đến bạo lực học đường như: biết nhường nhịn và biết im lặng đúng lúc; tuyệt đối đừng bao giờ nghĩ đến việc lập bè cánh để đối phó khi cảm thấy có nguy cơ bị bạo lực…, đặc biệt là phải biết dựa vào người lớn như thầy cô giáo hoặc phụ huynh khi cảm thấy bất ổn trong mối quan hệ với bạn cùng lớp.

YẾN NHI

Tin cùng chuyên mục