Bé Shanta rất thích đi học. Mỗi buổi sáng, cô bé 4 tuổi này được mẹ đưa đến trường mầm non gần nhà ở thị trấn Mohonpur, cách thủ đô Dhaka, Bangladesh 140km. Ở đây, Shanta được các giáo viên trẻ dạy kể chuyện, diễn kịch, đọc thơ và chơi đùa cùng các bạn.
Mẹ của Shanta, chị Mosammet Laily Begum, ở nhà làm nội trợ, còn bố cô bé làm nghề kéo xe thồ với thu nhập khoảng 100USD/tháng. Với đồng lương ít ỏi như vậy, kiếm đủ 3 bữa/ngày cho 3 chị em Shanta đã khó, đừng nói đến chuyện học hành.
Tuy nhiên, nhờ BRAC, một trong những tổ chức phi chính phủ ở Bangladesh và chương trình Giáo dục mầm non (BEP) của tổ chức này, cả 3 chị em Shanta đều được đến trường. Với việc được học đọc, viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Bangladesh, khi bước vào bậc tiểu học, 2 chị của Shanta bắt nhịp nhanh với việc học văn hóa, không bị bỡ ngỡ.
Trẻ em theo học tại một trường mầm non của BRAC.
Gia đình Shanta là một trong số ít gia đình may mắn có con cái được học mầm non. Phần lớn trẻ em ở các vùng nông thôn Bangladesh không được tiếp cận giáo dục ở bậc này. Khoảng 3,3 triệu trẻ em Bangladesh ở trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi không được đến trường bởi gia đình các em không đủ khả năng cho con theo học ở các trường mầm non tư thục. Hiện khoảng 45 triệu người dân ở quốc gia Nam Á này phải sống với thu nhập ít hơn 1,25 USD/ngày. Việc họ không thể cho con cái đến học ở các trường mầm non dẫn đến một vòng luẩn quẩn.
Theo đó, khi bước vào bậc tiểu học, con cái họ sẽ bị tụt lại đằng sau so với những em được học trước ở các trường mầm non. Không theo kịp các bạn ở tiểu học, những học sinh thiệt thòi đó tiếp tục hụt hơi so với bạn học ở phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Những cô bé, cậu bé không được học mầm non, khi đến độ tuổi lao động, lại nằm trong nhóm 4,5% dân số Bangladesh (156 triệu người) thất nghiệp. Và rồi con cái của họ sẽ khó tránh khỏi vết xe đổ của bố mẹ chúng.
BRAC muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn đó. Với 12.450 trường mầm non được xây dựng trên cả nước tạo điều kiện cho gần 360.000 trẻ em được đến trường mỗi năm, BEP trở thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non miễn phí lớn nhất tại Bangladesh. Tính từ thời điểm BEP được bắt đầu được triển khai vào năm 1997, đến nay, hơn 5,2 triệu trẻ em Bangladesh được hưởng lợi từ chương trình giáo dục này. Một thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ em bắt nhịp được ngay với bậc tiểu học nhờ BEP vô cùng ấn tượng, đạt mức 99,14%.
Bangladesh có bước tiến lớn về giáo dục trong 2 thập kỷ qua khi nằm trong nhóm các nước có hệ thống giáo dục tiểu học lớn nhất thế giới với khoảng 20 triệu học sinh và 365.000 giáo viên công tác tại hơn 82.000 trường. Kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ học sinh theo học bậc tiểu học tăng từ 72% lên 97% và số học sinh tốt nghiệp từ 40% tăng lên 79%.
Tuy nhiên, Rasheda K Choudhury, Giám đốc điều hành Chiến dịch phổ cập giáo dục (CAMPE) - mạng lưới gồm hơn 1.000 tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cho biết vẫn còn rất nhiều lỗ hổng về giáo dục tại Bangladesh cần được lấp đầy. Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngân sách chi cho giáo dục phải gấp 4 lần con số 2,5% GDP hiện nay.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách phải có các giải pháp để phổ cập giáo dục cho 71% dân số sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Bangladesh. Chỉ có như vậy, trẻ em Bangladesh mới được hưởng quyền học tập bình đẳng để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Minh Châu