Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng và ra mắt tập thơ “Thơ tình và những bài áo trắng”

Ngày 18-3, tại hội trường Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức chương trình tưởng niệm nhà thơ Đoàn Vị Thượng và ra mắt tập thơ Thơ tình và những bài áo trắng (NXB Hội Nhà văn). 

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng sinh năm 1959, tên thật là Trần Quang Đoàn, người gốc Huế, sống cuộc đời thiếu niên ở Quảng Ngãi và lập nghiệp ở TPHCM. Ông làm nghề dạy học, làm báo, bắt đầu có thơ đăng báo rất sớm khi còn là học sinh trung học đệ nhất cấp (cấp 2) trước năm 1975. Sau năm 1975, ông tiếp tục sáng tác và phát triển mạnh vào những năm 1980 đến cuối những năm 2000.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã đoạt nhiều giải thưởng ở TPHCM và một số địa phương khác. Đặc biệt, cùng với cố nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà thơ Đoàn Vị Thượng là hai người nhận giải thưởng Cống hiến của Hội Nhà văn TPHCM năm 2021 với tác phẩm Thơ Đoàn Vị Thượng.

Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng và ra mắt tập thơ “Thơ tình và những bài áo trắng” ảnh 1 Tập thơ "Thơ tình và những bài áo trắng" của cố nhà thơ Đoàn Vị Thượng, được xem là một phần di cảo của ông 
Ngày mùng 5 Tết Tân Sửu 2021, nhà thơ Đoàn Vị Thượng trút hơi thở cuối cùng sau thời gian dài lâm bệnh nặng. Ông ra đi, để lại nhiều thương nhớ trong lòng độc giả. Cuộc đời dạy học, làm báo của ông gắn với Sài Gòn, dù không in nhiều tác phẩm, nhưng chỉ với những tác phẩm như: Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987), Thơ Đoàn Vị Thượng (1988), Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989), Môi thơm (truyện dài, 1990), Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991)… khi rời xa thành phố thân yêu này, hình bóng ông vẫn còn sống trong nhiều ký ức thế hệ độc giả. Thơ Đoàn Vị Thượng được đánh giá là tài hoa, tinh tế, dung dị, tối giản đến bất ngờ.
Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng và ra mắt tập thơ “Thơ tình và những bài áo trắng” ảnh 2 Bốn người em gái của cố nhà thơ Đoàn Vị Thượng
Trong những ngày giãn cách vì dịch bệnh Covid-19, nhà thơ Từ Nguyên Thạch – em trai và cũng là tri kỷ văn chương với nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã sưu tầm, góp nhặt những bài thơ mà người anh tài hoa của mình để lại cuộc đời bằng tập thơ Thơ tình và những bài áo trắng. Tác phẩm ra đời, góp thêm một cái nhìn về sự tài hoa của nhà thơ Đoàn Vị Thượng.

Tập thơ Thơ tình và những bài thơ áo trắng gồm 91 bài, được chia làm 2 phần: Thơ tìnhNhững bài áo trắng, nhiều trong số đó được làm theo thể thơ lục bát. 

Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng và ra mắt tập thơ “Thơ tình và những bài áo trắng” ảnh 3 Nhà thơ Nhật Quỳnh diễn đọc hai bài thơ của nhà thơ Đoàn Vị Thượng, gồm "Gởi theo sau chuyến tàu mùa hạ" và "Tạ lỗi giấc mơ" 
Trong Lời giới thiệu của tập thơ, PGS-TS Nguyễn Thị Tịnh Thy bày tỏ: “Lứa tuổi chúng tôi đã qua cái tuổi thanh xuân, bây giờ đang bước qua cái tuổi trung niên, trong những lần gặp gỡ hàn huyên bao giờ cũng có nhắc thơ Đoàn Vị Thượng. Chúng tôi nhắc Đoàn Vị Thượng và tự nhiên ai cũng cảm thấy như mình được một cái gì đó vỗ về, được xoa dịu những cái vất vả, những gãy đổ của đời thường.

Khi chia sẻ thơ Đoàn Vị Thượng ta cảm thấy hạnh phúc. Bởi vì thật ra khi đọc thơ, khi thưởng thức nghệ thuật chúng ta không chỉ muốn khám phá tâm hồn nhà thơ mà còn muốn khám phá tâm hồn mình như còn hồi tuổi thanh xuân và đó là một khám phá rất hạnh phúc”.

Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng và ra mắt tập thơ “Thơ tình và những bài áo trắng” ảnh 4 Nhà văn Bích Ngân và nhà thơ Đặng Nguyệt Anh (trái) - một người bạn tri kỷ với nhà thơ Đoàn Vị Thượng, dù không được khỏe nhưng vẫn có mặt để cùng bày tỏ tình cảm với người quá cố 
Mặc dù đã đi xa hơn một năm, nhưng con người và thơ Đoàn Vị Thượng vẫn sẽ còn trong ký ức của nhiều độc giả cũng như đồng nghiệp. Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chia sẻ: “Và từ tuổi hoa niên đến khi từ giã cuộc đời ở tuổi sắp lão niên, suy tư thơ, hình ảnh thơ, triết lý thơ càng ngày càng riết róng, càng đau đáu cho nỗ lực vươn tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Và chính hành trình thơ 40 năm và hơn 60 năm tuổi đời của nhà thơ cho thấy rõ hơn nhân cách thơ, phẩm chất người thơ của nhà thơ Đoàn Vị Thượng: “Lòng tôi chim đến hót”, nhịp tim của người thơ đã không đập cho riêng mình. Hiến dâng, lặng lẽ hiến dâng. Khao khát, khao khát cả khi đã nhắm mắt xuôi tay”. 

Tin cùng chuyên mục