Ngày 19-4, Hãng Thông tấn AP trích lời thiếu tá Zoltan Boross, thuộc văn phòng Điều tra Quốc gia Hungary, cho biết cảnh sát Hungary và Anh vừa triệt phá một đường dây buôn người có phạm vi hoạt động bao trùm khắp châu Âu. 114 người bị bắt, trong đó có nhiều người Việt Nam được gửi trả về nước.
Chiến dịch quốc tế 2 năm
Theo thiếu tá Zoltan Boross, trong 98 người bị bắt có liên hệ tới đường dây buôn người này trong 2 năm qua, nhiều người chuyên làm giấy tờ giả cho các nạn nhân người Việt Nam. Mặc dù mục tiêu chính ban đầu của họ là sang Anh, tuy nhiên sau đó đã có nhiều người Việt Nam bị bán sang Pháp và Đức. Do việc đi lại trong 27 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) không cần visa, nên việc kiểm soát di dân trái phép rất khó khăn.
Chiến dịch truy quét được thực hiện sau khi giới hữu trách Anh bắt đầu dự án thực thi luật pháp Liên minh châu Âu có tên gọi “Tội phạm nhập cư có tổ chức của người Việt” vào năm 2009. Tuy nhiên, cuộc điều tra đường dây tội phạm buôn người chỉ chính thức được khởi động từ tháng 9 năm ngoái, sau vụ án 22 nghi phạm chính thức bị buộc tội đã đưa 72 người Việt từ Đức sang Anh qua đường Bỉ hoặc Pháp.
Đến đầu tháng 2-2011, khoảng 250 cảnh sát đã thực hiện các cuộc lục soát phối hợp tại Đức, Pháp, Cezch, Hungary và Anh. Cuộc truy quét này đã tóm gọn mạng lưới buôn người quốc tế, bắt 35 người, trong đó 19 người bị bắt ở Pháp, 8 người bị còng tay ở Đức và số còn lại bị bắt ở CH Czech, Hungary và Anh. Theo tuyên cáo chung của Europol và Eurojust, cảnh sát của 5 nước đã hành động chống lại các đường dây tội phạm tinh vi chuyên đưa lậu người, chủ yếu đến từ Việt Nam. Nhà chức trách cũng tịch thu một số máy vi tính và điện thoại di động.
Theo thiếu tá Boross, mạng lưới tội phạm đã sử dụng nhiều biện pháp tinh vi, trong đó việc đưa người nhập cư được thực hiện tại các sân bay nhỏ ở tỉnh lẻ để tránh bị phát hiện. Bọn buôn lậu dựa trên các chứng từ giả mạo, hoặc trả tiền thuê chứng minh thư thật để có được visa hợp pháp cho người nhập cư vào một nước châu Âu và sau đó nhanh chóng chuyền sang người khác. Những kẻ buôn người mỗi lần chỉ đưa từ 1 đến 2 người và thường hộ tống người nhập cư là những người cũng “đến từ Việt Nam”.
Châu Âu xoay xở ngăn chặn
Trước đó, cảnh sát Italy cũng đã triệt phá một đường dây đưa người nhập cư trái phép vào châu Âu và bắt giữ 28 người. Phần lớn nghi phạm là người Afghanistan, người Kurd và người Pakistan, một số trong đó bị tình nghi tham gia các hoạt động khủng bố quốc tế. Các thành viên đường dây này sử dụng giấy tờ tùy thân giả và sử dụng mạng lưới chuyển tiền tư nhân Hawala tại Trung Đông và Bắc Phi để chuyển tiền cho các tổ chức tội phạm hoạt động tại Pháp, Hy Lạp, Italy, Iran, Pakistan và Anh. Trung bình mỗi tháng, đường dây nói trên đã đưa hơn 200 người Afghanistan, trong đó có nhiều trẻ em, nhập cư trái phép vào Italy và từ đó những người này được đưa tới một số nước khác thuộc châu Âu. Mỗi trường hợp được chúng đưa vào châu Âu phải nộp một khoản tiền khá lớn, từ 3.000 – 3.500 EUR.
Sau khi đường dây này bị phát hiện, Quốc hội Hy Lạp lập tức thông qua đạo luật sửa đổi các quy định nhập cư nhằm kiểm soát tốt hơn những người nhập cư, trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với dòng người nhập cư bất hợp pháp. Luật mới chuyển quyền kiểm soát người nhập cư từ cơ quan cảnh sát sang cơ quan di trú. Các chuyên gia ước tính có khoảng 350.000 người nhập cư bất hợp pháp tại Hy Lạp, một cửa ngõ quan trọng để nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Phần lớn những người nhập cư bị đưa vào con đường tội phạm, mại dâm.
Là một trong những cửa ngõ nối khu vực châu Á và châu Phi với châu Âu, Hy Lạp đã trở thành điểm đến của rất nhiều người nhập cư bất hợp pháp muốn tìm đường đến “miền đất hứa”. Để đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, Hy Lạp còn quyết định xây dựng một tường rào ở một phần biên giới giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền Hy Lạp, mỗi ngày có khoảng 200 người nhập cư bất hợp pháp vào Hy Lạp thông qua khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù đã triệt phá được mạng lưới buôn người quốc tế và bắt giữ gần cả trăm người có liên quan, nhưng giới chức châu Âu cũng đã thừa nhận họ sẽ còn đương đầu với nạn buôn người khó kiểm soát hiện nay. Theo người phát ngôn Ủy ban châu Âu Michele Cercone: “Những điều diễn ra trong quá khứ cho thấy những bức tường hay hàng rào sắt chỉ là những giải pháp tạm bợ, không giúp cải thiện và giải quyết được những thách thức của nạn nhập cư”. Không đồng ý với việc xây tường rào, nhưng vẫn phải có biện pháp để ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp mà bản thân châu Âu cũng không hề mong muốn. Vì thế, có thể chắc chắn rằng việc tìm kiếm một giải pháp hợp lý cho nạn nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một trong những chủ đề “nóng” mà châu Âu phải bàn thảo trong thời gian tới.
Số vụ bị phát hiện trên có lẽ chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Không ai có thể biết, có bao nhiêu người châu Á hay châu Phi hiện đang bị bóc lột sức lao động hay làm giàu bất chính ở châu Âu. Thiên đường ở châu Âu không phải luôn được lót vàng. Người nhập cư bất hợp pháp có thể bị đánh đập, bị buộc lao động và thậm chí tham gia các vụ giết người.
HẠNH CHI (Theo AP, Reuters)