Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định vừa có buổi làm việc với Bộ Nội vụ xung quanh chủ trương của tỉnh Nam Định chỉ tuyển người tốt nghiệp đại học chính quy, công lập vào công chức cấp tỉnh. Ông Tiệp cũng cho rằng quyết định của tỉnh không vi phạm Luật Giáo dục cũng như Luật Cán bộ công chức. Trong khi đó, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp nên “tuýt còi” Nam Định.
PV Báo SGGP tiếp tục ghi nhận một số ý kiến. Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập cho biết:
Xã hội hóa giáo dục là đường lối của Đảng, Nhà nước. Nam Định tuyên bố như thế là trái với chủ trương, đường lối của Đảng. Tôi không phản đối phải tuyển chọn công chức giỏi. Nhưng thay vì cấm dân lập sao Nam Định không đề ra các hệ thống tiêu chí để tuyển chọn, ví dụ như ngoại ngữ, tin học, kiến thức, kỹ năng mềm. Cứ ai đáp ứng thì tuyển. Tại sao một cơ quan quản lý Nhà nước lại đề ra quyết định mang tính phân biệt như vậy? Chắc gì tất cả sinh viên công lập đều giỏi.
° PV: Quyết định của Nam Định có thể tạo ra tiền lệ ở các địa phương, điều đó sẽ tạo nên một tương lai rất xấu cho các trường ngoài công lập. Hiệp hội có phản ứng gì?
° Ông Trần Xuân Nhĩ: Hiện chúng tôi chưa có văn bản phát ngôn chính thức. Nhưng tới đây chúng tôi sẽ họp với khối trường ngoài công lập thống nhất và kiến nghị Chính phủ cần có chế tài đối với những quyết định không đúng luật của các tổ chức, đơn vị. Chúng tôi cũng kiến nghị, sắp tới khi Quốc hội xem xét Luật Giáo dục Đại học phải nêu rõ không phân biệt đối xử giữa các loại hình đào tạo.
° Nhiều ý kiến nói quyết định của Nam Định cũng tương tự quyết định của các nhà tuyển dụng khác, ví dụ như chỉ tuyển sinh viên khá giỏi, hoặc chỉ tuyển trường này mà không tuyển trường kia?
° Anh có thể công khai tuyển sinh viên loại giỏi, hoặc tuyển trường này mà không tuyển trường kia. Nhưng nếu nói không tuyển hệ dân lập là trái tinh thần của luật. Tôi vẫn cho rằng tuyển dụng công bằng nhất là đưa ra các tiêu chí để tuyển công bằng để lấy được người tài ở bất cứ đâu. Tôi không phản đối nhà tuyển dụng áp đặt các tiêu chí để tuyển người có năng lực. Nhưng hệ thống tiêu chí đó không được trái với chủ trương, đường lối của xã hội, không được trái với luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Lê Minh Thông: Bằng cấp chỉ là điều kiện Quan trọng nhất trong thi tuyển công chức là không làm trái quy trình tuyển chọn theo Luật Công chức, còn lại, nhà tuyển dụng có quyền đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn với đối tượng thi tuyển. Việc Nam Định mới đây (và Đà Nẵng năm trước công bố chỉ tuyển những sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy) là quyền của nhà tuyển dụng. Qua sự việc này cho thấy, các nhà làm giáo dục phải xem lại cách thức đào tạo của mình. Sản phẩm đào tạo phải đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Xã hội đánh giá, xếp hạng các trường phải dựa trên tiêu chí đó, nó quyết định uy tín của trường. Cảnh báo này cũng để nhắc nhở các trường, các cơ sở đào tạo tự đổi mới mình, kể cả đối với những người đi học. Rõ ràng đừng chạy theo bằng đại học bằng mọi giá mà phải nâng cao năng lực. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cần thay đổi cách thức tuyển chọn công chức hiện nay, phải tạo cơ hội để ứng viên thể hiện năng lực, bằng cấp chỉ là điều kiện. Khi đã tuyển dụng được công chức vào trong bộ máy cần đánh giá từng năm, từng tháng theo một quy trình khác để sàng lọc và giữ chân những người thực sự tài năng.
LÂM NGUYÊN