* Cuối năm nguy cơ lấn chiếm vỉa hè tái bùng phát
Sau khi rà soát các tuyến đường mẫu cấp thành phố của TPHCM, cơ quan chức năng đã cảnh báo nạn tái lấn chiếm lòng lề đường đang có nguy cơ bùng phát, đặc biệt vào dịp cuối năm và dịp Tết Tân Mão – thời gian diễn ra nhiều lễ hội.
Mẫu mà chưa mẫu
Thời gian qua, công luận đã đề cập đến nhiều vấn đề như nạn ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông nghiêm trọng và hố “tử thần” liên tiếp xuất hiện, việc triển khai thực hiện năm Văn minh đô thị trên địa bàn TPHCM xem ra vẫn còn bị vướng ở hàng loạt khía cạnh khác, mặc dù đây đã là năm thứ 3 liên tiếp chủ đề Văn minh đô thị được chính quyền thành phố ra nghị quyết thực hiện.
Nổi cộm là những tồn tại trong công tác chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, vỉa hè, chỉnh trang đô thị theo Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23-10-2008 của UBND TPHCM. Tính cho đến hết tháng 10-2010, công tác chấn chỉnh trật tự lòng lề đường mới chủ yếu tập trung trên các trục đường chính, các tuyến đường điểm văn minh cấp thành phố và đường văn minh cấp quận huyện. Trong khi các tuyến đường còn lại, đặc biệt các hẻm và đường nội bộ khu dân cư, tình hình trật tự lòng lề đường gần như vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Đặc biệt đáng quan ngại là tình trạng các tuyến đường bị tái lấn chiếm lòng lề đường về đêm để kinh doanh hàng quán, vui chơi giải trí, chợ tự phát, chợ hàng “xôn” và kể cả chợ đêm. Sự tái lấn chiếm này một mặt choán hết lối đi dành cho khách bộ hành, mặt khác gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tiêu biểu là khu vực chợ đêm Bến Thành - quận 1, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đoạn đi qua quận 1 và quận 5, Quang Trung - quận Gò Vấp, Cách Mạng Tháng Tám đoạn đi qua quận 1 và quận 10, Nguyễn Ảnh Thủ - quận 12, khu Nhật Tảo - quận 10 và 11…
Tình trạng lấn chiếm kinh doanh buôn bán xô bồ, hoặc tụ tập xe ôm xe khách vẫn chưa thực sự chuyển biến tại các điểm nóng về mất trật tự ATGT lâu nay như quanh khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, chợ Đa Kao, chợ đêm Bến Thành… Ngay tại 15 tuyến đường điểm cấp thành phố như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh đoạn từ vòng xoay ngã sáu đến Lý Thường Kiệt, 3 Tháng 2, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám… tình hình trật tự đô thị cũng chẳng khá hơn, bởi vào những thời điểm nhất định trong ngày, đặc biệt vào ban đêm, các tiểu thương lại đồng loạt ùa ra lấn chiếm biến lòng lề đường thành mặt bằng giao dịch mua bán trông rất hỗn độn, bát nháo.
Trên rất nhiều tuyến đường khắp địa bàn, kể cả 15 tuyến đường mẫu cấp thành phố, tình trạng buôn bán hàng rong xem ra đang có dấu hiệu tái bùng phát khi thời điểm cuối năm với nhiều lễ hội và Tết Nguyên đán đã cận kề.
Cả nể, thiếu kiên quyết
Những tồn tại trong việc triển khai thực hiện năm Văn minh đô thị trên địa bàn thành phố lại có nguyên nhân sâu xa từ chính công tác quản lý nhà nước.
Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng mới đây, ông Tăng Cẩm Vinh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, đã nhận xét rằng, chỉ có một vài tuyến đường mẫu là thực sự đạt chuẩn, tiêu biểu như đoạn đường Trần Hưng Đạo, từ chợ Bến Thành ra đến giáp ranh quận 5, các tuyến mẫu còn lại trông vẫn rất nhếch nhác. Theo ý kiến của ông Vinh, tình trạng này có phần do trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan vẫn chưa rõ ràng, từ đó dẫn tới “cha chung không ai khóc”! Ông Vinh đặt câu hỏi bằng cách nêu một dẫn chứng rất đời thường: “Tình trạng xe chở rác, đất, cát chạy vù vù trong thành phố làm rơi vãi dọc đường rất mất vệ sinh môi trường và mất mỹ quan đô thị. Đó là trách nhiệm của ai, của Sở Tài nguyên Môi trường hay của Sở GTVT, cảnh sát môi trường, hay của chính quyền quận huyện? Việc xử phạt làm sao?”.
Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Văn Minh lại chỉ ra một hình ảnh sống động khác: Mặc dù bản thân Bến xe miền Đông rất khang trang nhưng đầu mối này lại mất mỹ quan đô thị bởi có những bến cóc vây quanh, tiêu biểu là bến xe cóc đối diện cổng vào bến phía đường Đinh Bộ Lĩnh. Đại biểu Minh bức xúc kể rằng, khi ông nêu điều này với Thanh tra Sở GTVT thì được Phó Chánh thanh tra Lê Hồng Việt giải thích lý do không thể xử phạt bến cóc này bởi vì “Đó là bến xe có giấy phép hoạt động”. Thế nhưng theo đại biểu Minh, ngay cả có giấy phép thì cơ quan chức năng vẫn phải rút giấy phép của bến xe đó một khi nó gây mất mỹ quan đô thị, nhếch nhác xô bồ tại khu vực vốn dĩ đã có sẵn một bến xe lớn. Theo ông Minh, việc cấp phép cho bến xe cóc đó hoạt động là thiếu tầm nhìn và cần phải được chấn chỉnh.
Nhận định về nguyên nhân khiến cho kết quả đạt được trong việc chấn chỉnh trật tự đô thị, lấn chiếm lòng lề đường còn hạn chế mặc dù chính quyền các địa phương đã nhiều lần ra quân giải quyết, Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thị Hiền Lương cho rằng đó là do còn có sự thiếu đồng bộ, thiếu kiên quyết, cũng như còn cả nể.
Thiện Nhân