Tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2012 - Hồ sơ giảm, áp lực vẫn tăng

Dù lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay của cả nước giảm 7,7% so với năm 2011 (1,96 triệu hồ sơ) nhưng việc tổ chức thi của các trường ĐH-CĐ không nhẹ hơn. Ngoài việc thuê mướn địa điểm thi, tăng thêm công tác tổ chức tại cụm thi Vinh, các trường cũng đau đầu với bài toán “bù lỗ” cho chi phí tuyển sinh.
Tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2012 - Hồ sơ giảm, áp lực vẫn tăng

Dù lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay của cả nước giảm 7,7% so với năm 2011 (1,96 triệu hồ sơ) nhưng việc tổ chức thi của các trường ĐH-CĐ không nhẹ hơn. Ngoài việc thuê mướn địa điểm thi, tăng thêm công tác tổ chức tại cụm thi Vinh, các trường cũng đau đầu với bài toán “bù lỗ” cho chi phí tuyển sinh.

Tăng thí sinh, thêm chi phí

Thống kê sơ bộ cho thấy, cụm thi TPHCM năm nay lượt thí sinh dự thi cả 3 đợt giảm hơn so năm 2011 (có hơn 653.000 lượt thí sinh dự thi). Tuy nhiên, đối với nhiều trường có lượng thí sinh dự thi tăng, công tác tổ chức thi hết sức gian nan.

Thí sinh nhận giấy báo thi ĐH-CĐ tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM.

Thí sinh nhận giấy báo thi ĐH-CĐ tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM năm nay lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng 200% so với năm 2011. Do đó, công tác tổ chức thi tuyển sinh của trường đều tăng. Trong đó, căng thẳng nhất vẫn là chi phí. Để có đủ phòng thi cho hơn 10.000 thí sinh tăng thêm, trường đã phải thuê lại địa điểm thi của các trường khác. Ngoài ra, công tác chuẩn bị tập huấn, chi phí cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh cũng tăng gấp đôi. Chưa hết, năm nay trường có đến hơn 4.000 thí sinh dự thi tại cụm thi Vinh, Cần Thơ và Quy Nhơn.

Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo nhà trường, tính riêng tại cụm thi Quy Nhơn, trường phải tốn trên 245 triệu đồng chi phí tổ chức thi (chưa tính tiền chấm thi) cho 3.000 thí sinh. Nếu tính luôn chi phí tại cụm thi Vinh và cụm thi Cần Thơ thì trường phải chi khoảng 300 triệu đồng. Như vậy nếu tính mọi chi phí từ tổ chức thi đến thuê mướn địa điểm, tiền chấm thi thì trường này phải bù lỗ đến vài trăm triệu đồng sau đợt tuyển sinh 2012.

Cũng nằm trong số trường có lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tăng gần 7.000 hồ sơ nên hội đồng tuyển sinh của trường cũng có nhiều áp lực. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường chia sẻ: “Chi phí cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vẫn chưa quyết được nhưng có thể thấp nhất là bằng với năm 2011 (350.000 đồng/người/đợt thi).

Tại các cụm thi ở Cần Thơ, Vinh, Quy Nhơn, nhà trường khoán trọn gói và chỉ cử cán bộ tham gia”. Cũng theo TS Dũng, với mức lệ phí hồ sơ và lệ phí thi hiện nay chỉ có 80.000 đồng/thí sinh (thi tự luận), trong khi các Sở GD-ĐT giữ lại 13.000 đồng, thì các trường tổ chức thi phải bù kinh phí cho công tác tuyển sinh rất lớn.

Cùng với những trường trên, nhiều trường như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sài Gòn, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có lượng hồ sơ đăng ký dự thi tăng nên cũng đau đầu với bài toán chi phí cho công tác tuyển sinh. 

Thi trong trường tiểu học

Dù năm nay lượng thí sinh đăng ký dự thi trong cả nước giảm nhưng việc thuê mướn địa điểm thi của các trường tại TPHCM cũng gặp nhiều trở ngại. Ngoài việc chấp nhận giá thuê tăng, nhiều trường phải tận dụng mọi địa điểm thuê mướn, thậm chí có trường thuê nhiều trường tiểu học bất chấp việc chỗ ngồi làm bài có đúng chuẩn, hợp tư thế hay không.

Các trường thuê nhiều điểm thi tại trường tiểu học có Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, Trường CĐ Giao thông Vận tải TPHCM...

Lý giải về việc thuê trường tiểu học làm điểm thi, đại diện một số trường cho rằng: “Nhà trường hoàn toàn không muốn thuê các trường tiểu học để tổ chức thi nhưng vì nhiều lý do như an toàn khi vận chuyển đề, giao thông thuận lợi, gần hội đồng tuyển sinh nên trường mới thuê các trường tiểu học. Tuy nhiên, nhà trường cũng hiểu được thí sinh ngồi làm bài suốt mấy giờ liền trên bàn ghế các em học sinh từ lớp 1 - lớp 5 là không hợp lý nhưng biết làm sao được”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 Bộ GD-ĐT tại phía Nam cho biết: “Áp lực của kỳ thi tuyển sinh là rất lớn và các trường tổ chức thi đã tận dụng hết mọi điều kiện có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi. Thế nhưng, việc sử dụng nhiều trường tiểu học làm điểm thi sẽ gây nên một số hạn chế nhất định như: bàn ghế của học sinh tiểu học không phù hợp với vóc dáng của thí sinh mà thí sinh phải ngồi làm bài từ 90 - 180 phút là không ổn, ảnh hưởng kết quả bài làm của thí sinh. Vì vậy, trong trường hợp bất khả kháng phải sử dụng trường tiểu học làm điểm thi, các trường cần tuân thủ theo đúng quy chế: “Mỗi phòng thi không quá 40 thí sinh, khoảng cách giữa 2 thí sinh liền kề nhau phải từ 1,2m trở lên”.

Thí sinh bắt đầu nhận giấy báo thi

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho biết, hiện nay phòng tuyển sinh đã nhận được giấy báo dự thi của các trường chuyển đến và thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại đây có thể đến nhận giấy báo dự thi.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH tại TPHCM như ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Kinh tế, ĐH Nông Lâm… cũng đã in giấy báo dự thi và gửi qua đường bưu điện cho thí sinh. Đối với thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường có thể nhận tại trường hoặc có thể yêu cầu gửi qua đường bưu điện. Riêng Sở GD-ĐT TPHCM, nơi có trên 147.000 hồ sơ đăng ký dự thi cũng cho biết đã tiến hành chuyển giấy báo dự thi về cho thí sinh ở các trường THPT. Theo các trường ĐH-CĐ, từ nay đến cận ngày thi, thí sinh có thể liên hệ để điều chỉnh sai sót trên giấy báo dự thi.


Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục