Tuyển sinh ĐH-CĐ 2016: Không xét tuyển tập trung toàn quốc

Tuần qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Kết thúc đợt kiểm tra một số tỉnh ở phía Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2016: Không xét tuyển tập trung toàn quốc

Tuần qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Kết thúc đợt kiểm tra một số tỉnh ở phía Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2016: Không xét tuyển tập trung toàn quốc ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga



Bộ GD-ĐT lo nhất là những địa phương lần đầu đảm nhận cụm thi đại học do chưa có kinh nghiệm về công tác hỗ trợ cho thí sinh cũng như phối hợp xử lý các tình huống bất thường xảy ra. Tuy nhiên, qua kiểm tra đều thấy tất cả các địa phương chuẩn bị rất chu đáo, phối hợp với các ĐH lớn để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn.

Vì vậy, qua kiểm tra chủ yếu Bộ GD-ĐT nhắc nhở thêm các địa phương những vấn đề cần chú ý, tránh phát sinh sự cố. Ví dụ công tác hỗ trợ thí sinh, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa phải hết sức sâu sát và có khâu chuẩn bị, tổ chức hỗ trợ thật tốt; tuyệt đối không để thí sinh nào bỏ thi vì hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác in, sao, bảo quản, vận chuyển đề thi và bài thi của thí sinh. Đảm bảo hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin thông suốt trong thời gian diễn ra kỳ thi. Phải tổ chức tập huấn thật tốt cho đội ngũ làm công tác thi. Các đơn vị liên quan cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, không chủ quan để xảy ra sự cố trong bất kỳ trường hợp nào.

° Năm nay, lượng thí sinh dự thi có biến động lớn không, thưa Thứ trưởng?

°Năm ngoái khoảng 1 triệu thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia. Năm nay con số này là khoảng 880.000 em, như vậy giảm khoảng 12%. Đáng chú ý, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển ĐH-CĐ tăng rất nhiều, lên đến 32%. Điều đó cho thấy ý thức học sinh đã tốt hơn, không chọn học ĐH là con đường duy nhất. Nhiều em đã xác định tốt nghiệp THPT xong có thể đi học nghề, hoặc đi làm, điều này cũng phù hợp với thực tế hiện nay là nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Điều đó cũng làm giảm bớt thời gian, kinh phí cho những em cứ phải học ĐH bằng mọi giá.

°Sau kỳ thi THPT quốc gia, công tác xét tuyển vào ĐH-CĐ vẫn đang được dư luận xã hội quan tâm. Năm nay ông có tin tưởng việc xét tuyển sẽ không còn cảnh lộn xộn như năm trước?

°Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay quy chế tuyển sinh đã có nhiều thay đổi. Với sự chuẩn bị kỹ càng hơn, tôi cho rằng năm nay việc xét tuyển sẽ bớt lộn xộn. Nét mới là năm nay sẽ có xét tuyển theo nhóm trường, vì vậy tôi tin là tình hình sẽ tốt hơn.

°Như vậy là không xét tuyển tập trung. Vậy đến nay cả nước đã có bao nhiêu nhóm trường xét tuyển chung? Liệu sau kỳ thi THPT quốc gia, còn nhóm trường nào công bố xét tuyển chung nữa không?

°Đến nay vẫn chỉ có 2 nhóm trường đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận là nhóm do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì và nhóm xét tuyển của ĐH Đà Nẵng với các trường thành viên. Phía Nam không có nhóm trường nào. Năm nay chắc chỉ có 2 nhóm trường đó, còn sau kỳ thi THPT quốc gia chắc cũng sẽ không có nhóm trường nào công bố thêm bởi đã quá muộn. Quan điểm của bộ là khuyến khích các trường xét tuyển chung để tránh ảo.

°Xin cảm ơn Thứ trưởng!


PHAN THẢO thực hiện

Tin cùng chuyên mục