Những năm gần đây, sau khi kết thúc mùa tuyển sinh hàng năm, Bộ GD-ĐT đều thanh tra việc xác định chỉ tiêu theo Thông tư 57 (dựa trên 2 tiêu chí: số lượng sinh viên/giảng viên và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo 1 sinh viên). Dù số lượng trường vi phạm có giảm nhưng điều đáng nói là “văn hóa công khai” (được phát động từ năm 2009) lại chuyển thành bệnh “gian dối” khi các cơ sở đào tạo luôn tìm cách kê khống, khai khống các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để nâng chỉ tiêu.
Năm 2015 Bộ GD-ĐT có kiểm soát được chỉ tiêu tuyển sinh của các trường?
Đụng đâu sai đó
Sau khi khảo sát, thống kê các cơ sở đào tạo trình độ đại học, năm 2014 Bộ GD-ĐT công bố dừng tuyển sinh đối với 207 ngành của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014, do không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư 08.
Mới đây, sau khi thanh tra 18 cơ sở đào tạo theo 2 tiêu chí của Thông tư 57, Bộ GD-ĐT quyết định tước quyền tự đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 đối với 4 trường sai phạm nghiêm trọng, gồm: ĐH Thăng Long, ĐH Công đoàn, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, CĐ Dược Trung ương. Song song đó, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ giao chỉ tiêu theo năng lực thực tế cho những trường này vào năm 2015, đồng thời đề nghị trường xem xét trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể có liên quan trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sai so với quy định. Đối với những trường vi phạm mức độ nhẹ, Bộ GD-ĐT đã có văn bản nhắc nhở, đồng thời sẽ kiểm tra số lượng đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của trường. Trong trường hợp tiếp tục vi phạm, bộ sẽ ấn định số lượng chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở năng lực thực tế của trường vào những năm tiếp theo.
Kết quả kiểm tra cho thấy, về tiêu chí sinh viên/giảng viên quy đổi có đến 8/18 trường vượt định mức quy định. Có 11/18 trường báo cáo sai về đội ngũ giáo viên do một số trường xác định đội ngũ giảng viên đang làm nghiên cứu sinh, học viên cao học nhưng chưa tốt nghiệp vào danh sách giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Có trường đưa toàn bộ đội ngũ cán bộ phòng, ban vào làm công tác giảng dạy nhưng số giờ lên lớp giảng dạy thực tế rất ít. Hay có trường còn đăng ký cả số giảng viên dự báo sẽ được tuyển dụng như: CĐ Thương mại, ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và nhiều trường thuộc khu vực phía Bắc.
Thử nhìn vào số liệu tuyển sinh của Trường ĐH Tài chính Marketing sẽ thấy việc tuyển vượt chỉ tiêu khủng khiếp như thế nào. Năm 2005 có chỉ tiêu 400 nhưng trường tuyển đến 838 chỉ tiêu (209,5%), năm 2006 chỉ tiêu 680 nhưng trúng tuyển đến 1.083 (159,26%), năm 2012 chỉ tiêu 2.400 nhưng trúng tuyển 3.637 (151,54%), năm 2013 chỉ tiêu 3.900 nhưng trúng tuyển 4.040 (103,59%).
Phạt nặng sai phạm
Thực tế cho thấy, việc cấp quyết định mở ngành do Bộ GD-ĐT. Việc xác định chỉ tiêu dù đã giao các trường tự xác định nhưng quyết định cuối cùng cũng do Bộ GD-ĐT. Như vậy, Bộ GD-ĐT là người đưa ra quyết định cuối cùng, nên hơn ai hết chính bộ phải có trách nhiệm với quyết định của mình.
Trao đổi về lý do tại sao gần 300 ngành CĐ trong trường ĐH không đạt chuẩn nhưng vẫn được phép tuyển sinh trong năm 2014, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Trong năm 2013, chủ trương của Bộ GD-ĐT là rà soát lại các ngành đào tạo trong các trường ĐH. Tuy nhiên, thực tế trường ĐH có đào tạo ngành CĐ nên Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở mức cảnh báo. Sang năm 2014, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại tất cả các ngành đào tạo ở các trường CĐ và các ngành CĐ ở trường ĐH. Nếu ngành nào không đủ chuẩn theo quy định của Thông tư 08, Bộ GD-ĐT sẽ ra quyết định dừng tuyển sinh trong năm 2015”. Tuy nhiên, đến nay đã sang năm 2015 nhưng lời hứa này vẫn còn bỏ ngỏ và người học tiếp tục rơi vào cảnh “học chay”.
Trước bức xúc về việc xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu của đại diện các trường tại buổi tọa đàm về kỳ thi THPT quốc gia 2015 diễn ra ngày 22-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn: “Thực tế ai đã làm tuyển sinh, nếu vượt tuyển vượt chỉ tiêu vài ba phần trăm thì không đáng gì. Nhưng nếu trường nào tuyển vượt nhiều và cố tình tuyển vượt thì phải phạt nặng. Người bị phạt trước tiên phải là người đứng đầu cơ sở đào tạo và sau đó sẽ đánh vào lợi ích của toàn trường”.
Đối với 207 ngành bị dừng tuyển sinh trong năm 2014, Bộ GD-ĐT cho biết: Chậm nhất đến ngày 31-12-2015, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của các ngành nêu trên được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ GD-ĐT để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại. Sau ngày 31-12, bộ sẽ thu hồi quyết định cho phép đào tạo của những ngành chưa khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ.
Tuy nhiên, điều dư luận vẫn còn quan tâm chính là tại sao 296 ngành CĐ không đủ chuẩn tối thiểu về giảng viên của 74 cơ sở vẫn được tiếp tục tuyển sinh? Nếu Bộ GD-ĐT tiếp tục cho hàng trăm ngành học thiếu chuẩn vẫn được tuyển sinh trong năm 2015, liệu dư luận có đặt niềm tin vào cam kết của Bộ GD-ĐT là dừng tăng trưởng về quy mô số lượng, tập trung các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng?
THANH HÙNG