Bà Tám vội hô hoán, kêu cứu. Một người phụ nữ gần đó mang bình CO2 chạy đến nhưng người này thao tác lúng túng, không biết rút chốt bình để xịt bọt. Lúc này, lửa cháy lớn và táp vào mớ dây điện, ổ cắm điện trong nhà. Rất may, nam thanh niên cảnh báo lúc đầu kịp chạy đến hỗ trợ, dập tắt được lửa trước khi đám cháy lan rộng.
Sự việc trên được chúng tôi ghi nhận vào chiều 1-6 tại một khu dân cư ở khu phố 2, phường 4, quận 8 (TPHCM).
Diễn biến sự việc đã nói lên một thực tế đáng lo ngại hiện nay, đó là ý thức phòng cháy, kiến thức - kỹ năng cơ bản để ứng phó, xử lý khi hỏa hoạn xảy ra của người dân còn rất hạn chế.
Theo Cục Cảnh sát PCCC - CNCH (C66 - Bộ Công an), qua công tác kiểm tra cho thấy, không chỉ người lao động, công nhân mà ngay cả công chức, viên chức, sinh viên cũng có ý thức phòng cháy kém, kỹ năng xử lý sự cố hạn chế. Đây là nguyên nhân chính khiến cháy nổ ngày càng diễn biến phức tạp trong cả nước, đặc biệt ở thành phố lớn như TPHCM!
Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng PCCC cho người dân được nhắc đến nhiều đó là tuyên truyền. Thời gian qua, không ít địa phương, đơn vị làm tốt công tác này, góp phần kéo giảm cháy nổ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức hiện nay triển khai tuyên truyền PCCC rất hình thức, chỉ nói suông, không hiệu quả, thậm chí có địa phương bỏ qua, không thực hiện giải pháp quan trọng này. Mới đây, tại một quận ven của thành phố tổ chức ngày hội “Toàn dân PCCC”.
Được biết, 2 năm quận này mới tổ chức ngày hội một lần. Tại ngày hội, ban tổ chức thực hiện lễ ra quân rất hoành tráng, có đầy đủ các thành phần tham gia, từ cảnh sát PCCC đến công an các phường, dân quân, bảo vệ dân phố, đoàn thể. Xe cứu hỏa, thiết bị PCCC của nhiều cửa hàng kinh doanh, nhà sản xuất cũng được đem đến trưng bày, phô diễn… Tuy nhiên, thành phần quan trọng nhất cần tham gia là người dân chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ban tổ chức cho biết, sau ngày hội, địa phương sẽ kêu gọi doanh nghiệp chung tay cải tạo, làm mới hệ thống điện sinh hoạt trong hẻm và hộ khó khăn; phát tờ rơi về PCCC đến từng tổ dân phố, người dân; vận động người dân tự trang bị bình chữa cháy mi ni trong nhà… Nói là vậy, nhưng sau đó các hoạt động đưa ra lại rơi vào quên lãng, hoặc có làm thì trong tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Đã quá nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra có nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu ý thức của con người. Vì sao vậy? Phải chăng, không chỉ người dân mà ngay cả người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cũng có ý thức PCCC chưa thật tốt. Nếu có ý thức tốt, đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của cháy nổ và có giải pháp tuyên truyền hợp lý, hiệu quả thì hẳn các vụ cháy gây hậu quả đáng tiếc thời gian qua (điển hình như vụ cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người chết) đã không xảy ra.
Thiết nghĩ, ngay lúc này cả hệ thống chính trị, từ chính quyền, ngành chức năng đến đoàn thể cần xem lại việc tuyên truyền PCCC. Cần có sự thay đổi về nhận thức từ những cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về PCCC. Khi lãnh đạo, người có trách nhiệm ý thức tốt, chắc chắn việc tuyên truyền PCCC đến người dân sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn.