Ngày 19-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND/USD thêm 1%, từ mức 21.673 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD, đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ ±2% lên ±3%.
Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 đồng/USD và biên độ tỷ giá ±3%, tỷ giá trần là 22.547 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.233 đồng/USD. Quyết định điều chỉnh kép của NHNN được nhiều chuyên gia đánh giá là hợp lý trong bối cảnh đồng nhân dân tệ bị phá giá mạnh nhất trong 2 thập kỷ qua.
Ứng phó kịp thời
Theo đại diện NHNN, để chủ động, linh hoạt ứng phó với việc đồng nhân dân tệ được điều chỉnh giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, ngày 12-8-2015, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức ±1% lên ±2%. Diễn biến thị trường cho thấy đây là một giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và được dư luận đánh giá tích cực. Tuy nhiên, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất. Nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD thêm 1%, đồng thời tăng biên độ tỷ giá từ ±2% lên ±3%. Như vậy, sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. “NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép” - đại diện NHNN cho biết.
Ngay sau quyết định điều chỉnh khá mạnh mẽ của NHNN, nhiều chuyên gia đánh giá đây là hành động cần thiết trong bối cảnh kỳ vọng phá giá tiền đồng đang tăng cao. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, dù điều chỉnh khá sớm so với kỳ vọng của thị trường nhưng tăng tỷ giá ở thời điểm này là hợp lý. Thứ nhất, đồng tiền các nước trong khu vực trong tuần qua tiếp tục mất giá, ví dụ như Indonesia, Philippines, đồng tiền ruppi của Ấn Độ, đồng tiền ringgit của Malaysia đều mất giá khoảng từ 1% - 2%. Thứ hai, trong một vài ngày gần đây, USD tiếp tục tăng giá, điều đó càng cho thấy tín hiệu khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất trong quý 4-2015 có thể rõ ràng hơn. “Tôi nhìn nhận đây là một bước đi của NHNN chủ động để đón đường cả 2 yếu tố trên” - TS Cấn Văn Lực nói.
Giao dịch ngoại tệ ở ngân hàngVIB Bank.Ảnh: CAO THĂNG
Báo cáo của các định chế tài chính nước ngoài ở Việt Nam như HSBC, ANZ hay Standard Chatered đưa ra hôm qua đều có chung nhận định rằng việc điều chỉnh tỷ giá và nới rộng biên độ là bước đi linh hoạt và cần thiết của NHNN để ứng phó trong dài hạn. Nhóm nghiên cứu của ANZ đánh giá, dù động thái tỷ giá mới nhất sẽ khiến tiền đồng suy yếu, nhưng sẽ không gây áp lực buộc NHNN phải can thiệp. Khả năng áp dụng các biện pháp chính sách khác là không thể loại trừ nếu đồng nhân dân tệ còn mất giá mạnh.
Thận trọng và linh hoạt
Tuy nhiên, việc phá giá mạnh tiền đồng ở thời điểm này cũng sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nhất là với các nhà nhập khẩu, đồng thời có thể gây áp lực lên nợ công. Chuyên gia tài chính, TS Vũ Đình Ánh cho rằng mỗi chính sách vĩ mô bao giờ cũng có hai mặt. Do đó, cần xem xét cụ thể, phần được có bù đắp đủ phần mất. “Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng thực tế thời gian qua vẫn chưa chứng minh được là chính sách phá giá đồng Việt Nam sẽ khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Mỗi lần đồng Việt Nam giảm giá, kim ngạch xuất khẩu cũng không tăng và nhập khẩu cũng không giảm” - TS Vũ Đình Ánh phân tích.
Quầy giao dịch ngoài giờ ở một ngân hàng. Ảnh: CAO THĂNG
TS Cấn Văn Lực cho rằng việc tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ lên ±3% sẽ hỗ trợ xuất khẩu, tạo tính cạnh tranh hơn, nhưng đương nhiên cũng tác động một phần đến nhập khẩu. Trong 7 tháng vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 9,3%, một số mặt hàng chủ lực cho xuất khẩu có xu hướng giảm như nông sản, thủy hải sản. Về nợ công, nợ nước ngoài, chính sách tỷ giá lần này chắc chắn sẽ có tác động nhưng không nhiều vì phần nợ nước ngoài có kỳ tính trả lãi dài, 6 tháng/lần và lãi suất thấp.
Đề cập tới kịch bản nào cho tỷ giá sắp tới, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cho đến thời điểm này có thể yên tâm hơn vì NHNN sẽ điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường. Và áp lực lên tỷ giá thời gian tới, dù có, cũng không còn quá nặng nề. Theo chuyên gia ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu, việc phá vỡ cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% của NHNN sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường đối với tiền đồng. Tuy nhiên, đây là việc NHNN không thể không làm bởi Việt Nam đang theo đuổi chính sách tiền đồng mạnh và cứ giữ như thế này thì sẽ không trụ nổi, dự trữ ngoại hối có hạn. Việc tăng tỷ giá sẽ trấn áp được giới đầu cơ, nhưng liệu có thuận theo ý chí của nhà điều hành hay không còn phải xem thị trường trong thời gian tới.
BẢO MINH