UB Kinh tế Quốc hội: Cần phối hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ và tài khóa

Ngày 7-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành trọn ngày làm việc thứ 2 của phiên họp thứ 31 để nghe và thảo luận về các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010.

Ngày 7-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành trọn ngày làm việc thứ 2 của phiên họp thứ 31 để nghe và thảo luận về các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010.

  • Thách thức “vòng xoáy” nhập siêu

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2009 có 17 chỉ tiêu vượt và đạt kế hoạch được Quốc hội giao, 8 chỉ tiêu không đạt. So với số liệu đã báo cáo tại kỳ họp thứ 6, có 14 chỉ tiêu thay đổi, trong đó một số chỉ tiêu thực hiện cao hơn so với số đã báo cáo. Những tháng đầu năm 2010, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng đạt được những kết quả khá tích cực. Đặc biệt, xét từ khía cạnh kinh tế, căn “bệnh” sốt ngoại tệ đã được đẩy lui rõ rệt. Thị trường ngoại hối dần ổn định, tính thanh khoản của thị trường được cải thiện.

Từ giữa tháng 3 đến nay, số ngoại tệ mua được lớn hơn số ngoại tệ bán ra; tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do giảm xuống sát tỷ giá giao dịch chính thức của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao, nhất là giá các nhóm hàng hóa thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân (như nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, ăn uống và dịch vụ…).

Cuối năm 2009, đầu năm 2010, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn rất khó khăn; gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo. Đáng lưu ý, nhập siêu 4 tháng đầu năm vẫn ở mức cao (4,7 tỷ USD) trong bối cảnh cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 đã thâm hụt 8,8 tỷ USD.

“Trong điều kiện xuất khẩu chưa bảo đảm, dự trữ ngoại hối bị sụt giảm, vòng xoáy nhập siêu - suy giảm giá trị đồng nội tệ - lạm phát - áp lực điều chỉnh tỷ giá - lạm phát sẽ gây thách thức lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô”, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền bình luận.

  • Vượt thu lớn vẫn bội chi

Về tài chính ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách (TCNS) cho rằng, một số nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán khá lớn nhưng đây không hoàn toàn là điều đáng mừng.

Đơn cử, nguồn thu từ đất đạt cao so với dự toán trong những năm gần đây: thu từ đất năm 2007 vượt 12.324 tỷ đồng, năm 2008 vượt 14.279 tỷ đồng, năm 2009 vượt 15.274 tỷ đồng (vượt tới 72,7% dự toán). Việc lập dự toán khoản thu này do các địa phương chủ động báo cáo. Sự chênh lệch quá lớn và có xu thế tăng đối với khoản thu từ đất qua các năm thể hiện việc xây dựng dự toán thu không sát, đồng thời “tăng thu từ nguồn đất đai cũng sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế - xã hội”, người đứng đầu UB TCNS nhận định. 

Tình hình cấp điện tháng 6 sẽ khá hơn

Chiều 7-5, giải trình với UBTVQH về tình hình cung cấp điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho biết: “Trong 4 tháng đầu năm, do hạn hán rất nặng ở nhiều tỉnh của nước ta và miền Nam Trung Quốc nên ta có khó khăn nhất thời về điện.

Trong khi đó sản xuất phục hồi, nhu cầu điện sản xuất kinh doanh tăng, thời tiết nắng nóng cũng khiến nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt tăng. Bộ Công thương đã yêu cầu các tập đoàn có sản xuất điện phải tập trung khắc phục khó khăn, phát huy tối đa công suất phát điện.

Từ cuối tháng 4 đến nay, mỗi ngày đã đạt công suất 280 triệu kWh. Tháng 5 khá hơn và tháng 6 sẽ khá hơn nữa”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trong UB TCNS cho rằng, thu NSNN năm 2009 không bị hụt như dự báo mà còn vượt dự toán khá lớn (52.440 tỷ đồng); đồng thời trong điều kiện an ninh tài chính chưa đảm bảo vững chắc, mức dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia ở mức cao (gần 42%GDP) nhưng mức bội chi NSNN 6,9%GDP có thể coi là một hạn chế trong điều hành NSNN năm 2009.

Nhận định tình hình năm 2010, UB TCNS cảnh báo: “Điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009, do thông qua điều chỉnh tăng bội chi ngân sách lên trên 5% GDP, cùng với việc tăng phát hành trái phiếu chính phủ đã đẩy dư nợ Chính phủ tăng cao, lên tới 44,6% GDP vào cuối năm 2010”. Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chia sẻ lo ngại này: “Cả Quốc hội và Chính phủ đều phải quyết tâm giảm bội chi ngân sách. Nợ Chính phủ đến nay vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng cứ đà này thì chỉ 1 - 2 năm nữa là tới mức không an toàn”.

Nhìn nhận rằng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong năm 2010, có 3 “chân kiềng” quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững được UBTVQH chỉ ra là: kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán và giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.

Để có thể làm tốt các nhiệm vụ này, nhiều thành viên UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, trong đó nhấn mạnh mục tiêu giảm bội chi ngân sách.

B.VÂN

Khẩn trương hạ lãi suất cho vay khoảng 12%

(SGGP). – Hôm qua 7-5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2010. Nghị quyết nêu rõ kiên định mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Chính phủ cũng đặt trọng tâm thực hiện một loạt các chỉ tiêu quan trọng như: phấn đấu kiềm chế chỉ số lạm phát khoảng 8%, hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, giảm bội chi ở mức khoảng 6%...

Về vấn đề lãi suất, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp phù hợp khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 12% và điều hành tỷ giá ở mức hợp lý. Tăng tính thanh khoản nền kinh tế thông qua việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng. Quyết liệt điều hành bằng các biện pháp tổng hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm dần nhập siêu xuống mức không cao hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, kiên quyết không nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết, sử dụng các biện pháp thuế, phi thuế và hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước, góp phần giảm thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế.

L.NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục