Cuối giờ chiều 4-10, UBTVQH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN) nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo với tỷ lệ tán thành cao.
Nghị quyết sẽ chính thức có hiệu lực khi Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Nghị quyết nêu rõ, tới đây, các nhiệm vụ đầu tư mua sắm công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, trước tiên phải sử dụng sản phẩm được tạo ra trong nước. Đầu tư nâng cao tiềm lực, năng lực nghiên cứu triển khai của các viện nghiên cứu, các tập đoàn, tổng công ty. Đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc các lĩnh vực công nghiệp cơ khí chủ lực. Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ một số nhóm nhiệm vụ có quy mô lớn thuộc các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.
Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bằng nghị quyết này, UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ trong năm 2017 rà soát, xây dựng, sửa đổi các đạo luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Trong năm 2018, trên cơ sở đánh giá về sự suy giảm của ngành cơ khí chế tạo, cần thiết thành lập cơ quan quản lý nhà nước (ít nhất ở mức độ cấp vụ, cục thuộc Bộ Công thương) để thúc đẩy phát triển ngành; thúc đẩy năng lực chế tạo và sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện hạ tầng KH-CN; tạo môi trường thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư chuyển giao công nghệ, triển khai hoạt động thiết kế và chế tạo tại Việt Nam, giảm gia công, lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ; xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao trong công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo...
ANH PHƯƠNG