Tờ New York Times ngày 23-1 đưa tin bất ổn tại Ukraine gia tăng sau khi ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình tại thủ đô Kiev. Trong khi đó, Chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập chưa tìm được tiếng nói chung cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chưa có lối thoát
Lực lượng an ninh Ukraine cam kết sẽ điều tra, tìm ra hung thủ, đồng thời cho biết những kẻ bắn vào người biểu tình có thể là thành viên các nhóm cực đoan muốn gây rối loạn Ukraine. Ngoài số người thiệt mạng, ít nhất 300 người đã bị thương. Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cho biết cảnh sát được lệnh không sử dụng vũ lực chống người biểu tình hòa bình, nhưng phải sẵn sàng chặn đứng mọi mưu toan sử dụng vũ lực nhằm chiếm đóng các cơ quan chính quyền.
Trong khi đó, đối thoại giữa Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich và 3 thủ lĩnh đối lập tại phủ Tổng thống chỉ là những thông điệp mang tính đe dọa lẫn nhau. Theo BBC, chính quyền Ukraine chủ trương đối thoại xây dựng với phe đối lập nhưng không chấp nhận tối hậu thư. Ông Azarov nhấn mạnh yêu sách đòi Tổng thống đương nhiệm Yanukovich từ chức trước thời hạn là không thể chấp nhận vì đây là vị tổng thống đã được bầu ra một cách dân chủ và nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri.
Trước đó, phát biểu trước những người biểu tình của phe đối lập tại quảng trường Độc lập ở Kiev, ông Klitschko đã kêu gọi Tổng thống Yanukovich tiến hành bầu cử quốc hội và tổng thống trước thời hạn với lời đe dọa “nếu tổng thống không làm thì nhân dân sẽ làm”.
Trong một động thái đánh dấu sự gia tăng căng thẳng tại Ukraine, ông Oleg Tyagniboc, thủ lĩnh đảng Tự do đối lập, thông báo các nghị sĩ thuộc các chính đảng đối lập Ukraine đã thành lập một cơ quan thay thế Quốc hội gọi là Rada (Quốc hội) nhân dân. Ông Tyagniboc tuyên bố đây sẽ là cơ quan lập pháp hợp pháp duy nhất đại diện cho nhân dân. Ông cho biết phe đối lập Ukraine cũng sẽ thành lập ủy ban bầu cử nhân dân và cáo buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay.
Các thành phần gây rối Ukraine
Tình hình tại thủ đô Kiev vẫn phức tạp do phe đối lập tiếp tục huy động hàng ngàn người ủng hộ xuống đường biểu tình và tuần hành, thậm chí xung đột với cảnh sát và có những hành động bạo lực và kích động khác. Bộ Nội vụ Ukraine ngày 23-1 xác nhận một nhóm kẻ gây rối quá khích đã xông vào trụ sở Đài Phát thanh - truyền hình Kiev đập phá thiết bị. Để đảm bảo trật tự-trị an tại thủ đô, các đơn vị Nội vụ và Cảnh sát đặc nhiệm đã được huy động, đồng thời phong tỏa các đường phố trung tâm Kiev. Đến ngày 23-1, Cảnh sát Kiev đã bắt giữ hơn 50 người biểu tình gây rối. Cựu Tổng thống Ukraine, ông Leonid Kravchuk, khẳng định với tạp chí Forbes của Mỹ xuất bản bằng tiếng Ukraine số ra ngày 22-1 rằng, các nước phương Tây không hiểu rõ tình hình Ukraine và những gì đang diễn ra tại Ukraine đều là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp. Ông nhấn mạnh phe đối lập Ukraine phải chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra tại thủ đô Kiev.
Trong khi đó, Nga đã lên án “sự can thiệp của bên ngoài” vào công việc nội bộ của Ukraine và cáo buộc phe đối lập cực đoan nước này vi phạm nghiêm trọng hiến pháp. Trả lời hãng Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho rằng “chính quyền hợp pháp của Ukraine đã đối mặt với sự can thiệp bên ngoài vào công việc nội bộ của họ”, ám chỉ một số tuyên bố của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov thì tuyên bố Nga sẽ không can thiệp vào các cuộc biểu tình chống Chính phủ ở Ukraine và tin rằng giới lãnh đạo nước này sẽ tìm được giải pháp thích hợp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên Kremlin vẫn theo dõi sát các sự kiện ở nước láng giềng với sự quan tâm lớn. Ông Peskov tin tưởng Tổng thống Yanukovich sẽ xử lý được cuộc khủng hoảng để đưa Ukraine ổn định trở lại.
ĐỖ CAO (tổng hợp)