Ngày 5-12, ba cựu tổng thống Ukraine thời hậu Chiến tranh lạnh đã ra thông cáo chung, bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình chống chính phủ và kêu gọi các bên đối thoại vì lợi ích của người dân. Điều này có nghĩa áp lực lên Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych càng gia tăng trong bối cảnh cuộc biểu tình chống chính phủ đang nhấn chìm Ukraine trong cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ một thập niên qua.
Áp lực từ nhiều phía
Theo giới quan sát, ngoài cựu tổng thống Kravchuk, vị tổng thống đầu tiên và cựu Tổng thống thân phương Tây Yushchenko, còn có ông Kuchma tham gia ra thông cáo chung đã giáng một đòn mạnh cho Tổng thống Yanukovych bởi ông Kuchma có mối liên hệ chặt chẽ với các nhân vật đứng đầu của quốc gia.
Tính đến ngày 5-12, làn sóng biểu tình phản đối việc chính phủ từ chối ký một thỏa thuận thương mại và chính trị với Liên minh châu Âu (EU) của khoảng 10.000 người vẫn đang sôi sục trước Tòa nhà chính phủ, Quốc hội và Bộ Nội vụ. Quảng trường Độc lập đã bị phe đối lập chiếm giữ. Hãng tin AP cho biết, “một thành phố lều” với đầy đủ thực phẩm, quần áo, kèn… đã được dựng lên tại thủ đô Kiev.
Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov đã kêu gọi phe đối lập chấm dứt làm leo thang căng thẳng. Trong cuộc họp nội các đầu tiên kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn, ông Azarov lên án những kẻ quá khích tìm cách phong tỏa các trụ sở chính quyền và cảnh báo những người biểu tình không nên có những hành động đi ngược lại hiến pháp và pháp luật, bởi vì những hành động này sẽ bị trừng trị thích đáng.
Trong khi đó, tại quê hương Tổng thống Yanukovych ở Donetsk, khoảng 10.000 người cũng đã xuống đường ủng hộ ông.
Trước những biến động ở Ukraine, sau một cuộc họp ở Brussels, các ngoại trưởng NATO đã lên án hành động sử dụng vũ lực đối với người biểu tình chống chính phủ của nhà chức trách Ukraine. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle thì khẳng định “cánh cửa đến với EU vẫn còn mở rộng”.
Trong diễn biến trái chiều, Nga lại chỉ trích “các hành động hiếu chiến” của người biểu tình Ukraine cũng như phản ứng của phương Tây đối với hoạt động biểu tình trong ngày 4-12, cho rằng người ngoài không nên can thiệp vào các vấn đề của Ukraine. Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh Chính phủ Ukraine đã sử dụng quyền chủ quyền của mình để quyết định việc phê chuẩn hay không phê chuẩn một thỏa thuận.
“Thế nước đôi” mạo hiểm
Trong lúc này, một phái đoàn của Ukraine đã lên đường sang Brussels để tiến hành đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về các điều kiện để ký kết hiệp định liên kết. Trong khi đó, một phái đoàn khác cũng đã có mặt tại Mátxcơva tiến hành đàm phán để giải quyết cơ chế kinh tế-thương mại, vốn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Yanukovych, hiện đang có chuyến công du ở Trung Quốc, đang chơi một “canh bạc mạo hiểm”, chấp nhận làn sóng biểu tình phản đối… để kích động EU, Nga xem bên nào hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Theo AFP, phái đoàn đến Nga do Phó Thủ tướng thứ nhất Yuri Boiko dẫn đầu có nhiệm vụ đàm phán về các vấn đề khí đốt. Trong khi đó, dường như các quan chức EU tỏ ra không vội vã đưa ra cam kết gì đối với đoàn quan chức Ukraine đến Brussels, bất chấp việc Tổng thống Yanukovych nói EU đã không cung cấp tài chính thỏa đáng để đủ thuyết phục ông ký kết thỏa thuận.
Nếu vòng đàm phán EU-Ukraine tiếp theo sẽ diễn ra, đây sẽ là một cuộc giằng co địa chiến lược nữa giữa Nga và châu Âu. Khi đó, quyết định của Tổng thống Yanukovych sẽ phải đấu tranh cân não, tính đến các bài toán chính trị ở trong nước. Trong thời gian tới, nhiều khả năng Tổng thống Yanukovych sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng ở Ukraine và từ phía Nga với khoản nợ khí đốt còn treo là 2 tỷ USD.
HẠNH CHI (tổng hợp)
- Chính phủ Ukraine huy động lực lượng bảo vệ thủ đô