Ùn tắc giao thông là chuyện thường ngày ở TPHCM. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng đường sá không theo kịp yêu cầu phát triển.
Xuống cấp nghiêm trọng
Sau một thời gian dài trở thành “đại công trường” thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, TP giờ đây dường như đang có quá nhiều con đường… thứ cấp.
Tuyến đường Hai Bà Trưng là một trong những con đường có tính tiêu biểu của TP, đi qua các quận trung tâm là quận 1 và quận 3. Vì thế hình ảnh quen thuộc trên tuyến đường này là cảnh người xe nhộn nhịp, buôn bán sầm uất gần như suốt ngày đêm. Thế nhưng chất lượng mặt đường của đường Hai Bà Trưng lại không tương xứng với vai trò, vị trí của nó đối với TP. Bởi vì suốt từ đầu tuyến ở Công trường Mê Linh cho đến điểm kết là chân cầu Kiệu, ranh giới giữa quận 1, quận 3 và quận Phú Nhuận, mặt đường tùy nơi tùy chỗ mà vằn vện, loang lổ, mấp mô đủ hình, đủ kiểu và do đủ thứ nguyên nhân, đặc biệt đoạn từ giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng đến chân cầu Kiệu.
Trong khi đó tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, chạy dài suốt từ Thị Nghè đến Hàng Xanh và từ Hàng Xanh tới Đài Liệt sĩ, xe đi trên đường này cứ nhấp nha nhấp nhô như đang… cưỡi ngựa. Nguồn cơn là do con đường đã xuống cấp, ổ gà thậm chí ổ voi xuất hiện quá nhiều. Chưa hết, cũng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ gần ngã tư Hàng Xanh đến Trường THPT Gia Định, cứ mưa hoặc triều cường là xảy ra tình trạng ngập nước triền miên kéo dài hàng trăm mét. Còn khi mưa “đụng” lúc triều cường, cảnh ngập lụt còn hơn gấp mấy lần. Khu vực này có trường học nên mỗi khi tan trường vào lúc đường sá bị ngập thì rõ ràng chẳng khác gì một cực hình đối với học sinh và phụ huynh đưa đón con em mình. Còn tuyến quốc lộ 13, đoạn từ cầu Ông Dầu đến ngã tư Bình Triệu có những chỗ bị đọng nước, xuất hiện ổ gà. Ngã tư D2 - Ung Văn Khiêm thuộc quận Bình Thạnh sau nhiều lần đào lên xới xuống, chất lượng mặt đường không còn bằng phẳng mặc dù đã được tái lập.
Nỗi lo cho người lái xe gắn máy
Điều đáng nói là những chỗ chất lượng mặt đường chưa tốt đều thường và chủ yếu rơi vào phần làn đường dành cho xe hai bánh. Vì thế, hệ quả là xe hai bánh và xe thô sơ luôn có khuynh hướng tràn sang làn ô tô, vừa gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, vừa tạo ra hình ảnh hỗn độn, xô bồ giữa các dòng xe. Dù có tràn sang làn ô tô hay không, do chất lượng mặt đường quá xấu, các phương tiện xe hai bánh và thô sơ dù muốn hay không cũng phải chen chọn vị trí đỡ xấu hơn trên mặt đường để chạy và chính sự suy nghĩ không hẹn mà gặp ấy đã là mầm mống gây ra ùn ứ, tắc nghẽn giao thông trên đường.
Tại các nút giao lộ chất lượng mặt đường xấu còn gây tác hại đáng ngại hơn nhiều. Bởi vì với đặc trưng là nút giao cắt giao thông, mật độ xe cộ tập trung tại nút chờ đèn xanh thường rất dày đặc. Ngã năm Nguyễn Thái Sơn là một ví dụ. Nút giao này đang là một trong những điểm nóng hàng đầu về ùn ứ giao thông trên địa bàn quận Gò Vấp. Thế nhưng ngoại trừ đường Hoàng Minh Giám còn khá tốt, các đường còn lại chất lượng không đồng đều như đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm. Ngay bản thân đường Hoàng Minh Giám cũng chỉ tốt có lúc, tức là nếu trời khô ráo thì tốt nhưng khi trời mưa to, con đường này lại bị ngập nước dữ dội và kéo dài gần suốt tuyến, thậm chí ngập nước gần hết bề rộng mặt đường! Nhưng “xấu xí” nhất ở nút giao này có lẽ là mặt đường Bạch Đằng, bởi vì suốt từ đầu chợ Tân Sơn Nhất cho đến khi trổ ra Hồng Hà để vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chất lượng mặt đường Bạch Đằng rất kém, xuống cấp trầm trọng, ổ gà rải dọc suốt tuyến.
Còn tại ngã tư Phú Nhuận, cả 4 phía đầu ngã tư vốn dĩ có mật độ giao thông đi lại sầm uất này đều có những đường vằn vệt, chăng ngang chăng dọc do hệ quả của những lần đào xới và tái lập mặt đường trước đó. Có thể nêu ra đây vô số những ngã tư, ngã năm mà chất lượng mặt đường không đảm bảo yêu cầu thông xe nhanh chóng, thông suốt: ngã tư Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur, Lê Hồng Phong - Nguyễn Trãi...
Có thể nói bây giờ đi tìm một vài nút giao lộ hoặc một vài tuyến đường phẳng phiu, đảm bảo chất lượng mặt đường tại TPHCM rất khó. Đó là điều đáng phải ray rứt, suy nghĩ đối với một đô thị lớn, tầm cỡ hàng đầu cả nước như TPHCM.
THIỆN NHÂN