Các địa phương ở miền Bắc và miền Trung đang phải chịu đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên trong mùa hè năm nay. Liên tiếp trong những ngày qua, nhiệt độ tại nhiều địa phương lên tới hơn 38ºC - 39ºC. Thời tiết nắng nóng dữ dội đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, trẻ nhỏ và người già đổ bệnh tăng đột biến.
Bệnh viện Nhi Trung ương đông nghịt trẻ tới khám do thời tiết nắng nóng.
Trẻ mắc bệnh tăng cao
Tại Hà Nội, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương gần trưa 6-5 vẫn còn đông nghịt trẻ nhỏ, các dãy ghế ngồi ở sảnh và trước cửa các phòng khám không còn một chỗ trống, thậm chí ngay cả ngoài vườn hoa, hành lang cũng la liệt bệnh nhân chờ khám bệnh. Thời tiết nóng bức cùng với số bệnh nhân tới khám rất đông, khiến cho không khí thêm ngột ngạt. Các bác sĩ tại đây cho biết, mặc dù mới chỉ gần một tuần nắng nóng gay gắt nhưng số trẻ bị mắc các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra tới bệnh viện khám đã tăng rất cao. Trung bình những ngày gần đây, mỗi ngày có trên 1.500 trẻ bị ốm được gia đình đưa tới viện khám, tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường.
Không chỉ có Bệnh viện Nhi Trung ương mà tại nhiều bệnh viện khác như: Xanh Pôn, Bạch Mai, Thanh Nhàn cho tới bệnh viện ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… số trẻ nhập viện vì nắng nóng cũng tăng rất cao, khiến cho nhiều khoa phòng của bệnh viện bị quá tải. Chỉ riêng khoa Nhi của Bệnh viện Xanh Pôn từ đầu tuần tới nay, mỗi ngày cũng có tới gần 500 trẻ tới khám. Tuy đa số trẻ đến khám được chỉ định điều trị ngoại trú nhưng vẫn có khá nhiều ca nặng phải nhập viện, trong đó riêng số bệnh nhi được chỉ định chuyển vào nằm tại khoa Nhi tổng hợp đã lên tới hàng chục trường hợp. Hiện nay khoa Nhi, Hô hấp và Tim mạch của Bệnh viện Xanh Pôn đang quá tải nhiều nhất.
Các bác sĩ cho biết, trẻ mắc bệnh do thời tiết quá nóng bức gây ra chủ yếu là sốt virus, viêm đường hô hấp, viêm phổi và rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Đặc biệt có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng bệnh viêm phế quản, viêm phổi nặng do gia đình chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nắng nóng khiến sức đề kháng của trẻ kém đi khiến các vi khuẩn, virus nguy hiểm dễ xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Cùng với đó, việc để nhiệt độ trong phòng có máy lạnh quá thấp, bật quạt mạnh thổi thẳng vào mặt hoặc để trẻ uống nước đá cũng khiến trẻ dễ đổ bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo trong thời tiết nắng nóng hiện nay, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế đưa trẻ ra đường khi nắng nóng trên 30°C, nhất là tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Quý phụ huynh cũng chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu sốt tăng lên, ho nhiều, tiêu chảy liên tục...thì cần đưa trẻ đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Sau kỳ nghỉ lễ, cùng với thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến nhiều trẻ đổ bệnh phải nhập viện điều trị.
Người cao tuổi cũng đổ bệnh vì nắng nóng
Không chỉ có trẻ nhỏ mà thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày qua cũng khiến cho không ít người lớn mệt mỏi, ốm đau, đặc biệt là số người cao tuổi đổ bệnh do thời tiết nóng gây ra tăng mạnh. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn, những ngày gần đây cũng có rất nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện cấp cứu do tai biến và các bệnh lý tim mạch. Chỉ riêng Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình mỗi ngày phải tiếp nhận trên 300 cụ tới khám, cấp cứu. Hầu hết với người cao tuổi, các bệnh thường gặp do thời tiết quá nóng bức gây ra là tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi, nhất là khu vực nông thôn là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh trên người phát triển mạnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em và người già do sức đề kháng kém. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt, người già và trẻ em cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, đồ dễ tiêu và uống nước đầy đủ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và môi trường.
Đối với người già có bệnh mãn tính, chú ý uống thuốc đều đặn, không bỏ thuốc vì thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bệnh tái phát. Đối với trẻ nhỏ cần hạn chế trẻ chạy ra chạy vào phòng có máy điều hòa liên tục để tránh việc chênh lệch nhiệt độ, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuyệt đối không để quạt hoặc luồng gió điều hòa thổi thẳng vào người trẻ khi ngủ. Đặc biệt, cha mẹ không được tự ý điều trị, dùng kháng sinh cho trẻ khi trẻ ho, sốt mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
MINH KHANG
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 3.757 ca sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc sốt xuất huyết tháng 4-2015 là 496 ca, giảm 35% so với tháng 3-2015. Có 8 quận, huyện giảm hơn 50% như quận 1, 2, 8, Bình Thạnh, Bình Tân... Sốt xuất huyết đang ở giai đoạn có số ca mắc thấp nhất trong năm và đang ở đáy của chu kỳ dịch hàng năm, do thời tiết khô nóng. Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố liên tiếp xuất hiện các chùm ca bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, quai bị… ở 7 trường tiểu học, mầm non. Tuy nhiên, đến nay, các ca bệnh này đã được khống chế, không ghi nhận thêm số ca mắc mới nào. Riêng bệnh tay chân miệng, trong tháng 4, toàn thành phố ghi nhận 631 ca mắc, tăng 14% so với tháng 3. Mặc dù số ca mắc tay chân miệng trong tháng 4 có tăng nhưng vẫn trong diễn tiến bình thường, do đây cũng là thời điểm đầu tiên của đỉnh dịch tay chân miệng. Từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 2.139 ca. NGỌC MINH |