Ngày 4-5, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) đã bế mạc sau một ngày nhóm họp tại thành phố Rio Lujan của Argentina với việc ra tuyên bố chung ủng hộ chủ quyền của Argentina tại quần đảo Malvinas đang tranh chấp với Anh.
Nguyên thủ 12 quốc gia Nam Mỹ một lần nữa kêu gọi Luân Đôn ngồi vào bàn đàm phán về chủ quyền của phần lãnh thổ này nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình, theo đúng tinh thần của các nghị quyết Liên hợp quốc liên quan, đồng thời phản đối các hoạt động thăm dò "những nguồn tài nguyên không tái tạo nằm tại thềm lục địa Argentina" mà Anh đang tiến hành.
Các nhà lãnh đạo của UNASUR cũng lên tiếng phản đối đạo luật chống người nhập cư do bang Arizona, Mỹ, ban hành tháng trước, cho rằng văn bản này "tội phạm hóa những người nhập cư", "hợp thức hóa các hành động phân biệt chủng tộc" và "làm tăng nguy cơ bạo lực đối với các công dân có nguồn gốc Nam Mỹ".
UNASUR cũng đưa ra cảnh báo sẽ tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ Latinh, dự kiến diễn ra ngày 18-5 tới tại Tây Ban Nha, nếu Tổng thống Onduras Porfirio Lobo - đứng đầu chính quyền cho đến nay vẫn không được đa số các quốc gia Nam Mỹ công nhận - được mời tham dự.
Tại hội nghị, UNASUR cũng thảo luận tình hình tại Onduras và việc cứu trợ các nạn nhân trong trận động đất tại Haiti và Chilê.
Cùng ngày, các nguyên thủ của UNASUR đã nhất trí bầu cựu Tổng thống Argentina Néstor Kirchner làm Tổng Thư ký đầu tiên của khối này trong nhiệm kỳ 2010-2012.
UNASUR thành lập năm 2008 theo sáng kiến của Brazil nhằm tăng cường đoàn kết giữa các quốc gia Nam Mỹ. Khối này hiện có 12 thành viên gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Chilê, Colombia, Gaiana, Ecuađo, Paragoay, Peru, Surinam, Urugoay và Venezuela.
TTX