Giá cá tra ở ĐBSCL trong tháng 5-2012 đã nhích lên mức 24.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với tháng rồi. Dù nguồn nguyên liệu đang thiếu, nhưng các doanh nghiệp vẫn hy vọng việc các nhà nhập khẩu ở châu Âu, Mỹ, Brazil… đẩy mạnh tiêu thụ, sẽ tạo ra tín hiệu khả quan. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo nông dân dưỡng cá và chờ giá lên 25.000 đồng/kg mới bán để tránh thiệt hại.
Ngày 9-5, việc hạ trần lãi suất cho vay xuống còn 15% có hiệu lực. Cùng với việc Chính phủ công bố gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, dù có chậm nhưng nhiều doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn hy vọng tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản sẽ được cải thiện. Theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quý 1-2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều có chiều hướng xấu đi, đặc biệt về lợi nhuận, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc cũng như số lượng tạo việc làm cho người lao động.
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao và sức mua giảm mạnh. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho, tập trung ở một số ngành như bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo… lại tăng cao. Thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có nguy cơ phá sản ở ĐBSCL đang gia tăng. Tại Cà Mau, có hơn 30 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu lớn nhưng chỉ khoảng 50% nhà máy hoạt động hiệu quả, có đơn hàng xuất khẩu thường xuyên. Số còn lại gặp không ít khó khăn, khoảng 30% có nguy cơ phá sản.
Tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chỉ riêng An Giang, từ đầu năm 2012 đến nay đã ghi nhận trên 900 công nhân chế biến thủy sản nghỉ việc (được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp), hơn 40.000 công nhân ở Cà Mau rơi vào hoàn cảnh khó khăn do công việc đình trệ, đời sống bấp bênh.
Ngoài nguyên nhân thiếu vốn hoạt động, thị trường thu hẹp, sự bùng nổ các nhà máy chế biến thủy sản thời gian trước đây khi ngành này ăn nên làm ra cũng gây mất cân đối cung cầu nguyên liệu, thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Để ổn định vùng nuôi và hoạt động của các doanh nghiệp chế biến cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước mắt, cần có giải pháp hữu hiệu để giữ giá nguyên liệu đầu vào ổn định, bảo đảm quyền lợi hàng vạn nông dân nuôi cá; hoàn thiện hạ tầng, điều tiết sản lượng hợp lý ở các vùng nuôi; chấn chỉnh và có biện pháp kiên quyết xử lý tình trạng doanh nghiệp bán phá giá (giành hợp đồng), cạnh tranh không lành mạnh.
Nhiều doanh nghiệp và nông dân đang hy vọng gói cứu trợ 29.000 tỷ đồng và việc giảm lãi suất đầu ra 15% sẽ “hà hơi, tiếp sức” cho họ cầm cự, vượt qua khó khăn vì họ là đối tượng được nhà nước ưu tiên cung ứng vốn và áp trần lãi suất. Mong muốn của doanh nghiệp là được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay với những điều kiện không quá khắt khe. Các ngân hàng nên có tiêu chí hướng dẫn cụ thể về thủ tục để đẩy nhanh giải ngân, giải tỏa cơn “khát” vốn.
Bản thân doanh nghiệp cũng phải vận động để tự cứu mình trước bằng cách tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động xấu, việc tìm khách hàng mới ngày càng khó, doanh nghiệp nên cố giữ chân khách hàng truyền thống; tìm cách mở rộng thị trường.
Cao Phong