* Lai tạo những giống lúa chịu mặn, chịu hạn, ngập lụt
Để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định lâu dài, một trong những giải pháp, tầm nhìn dài hạn là phải thực hiện chiến lược giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo SGGP trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với BĐKH.
* PV: Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp nước ta?
* Ông ĐÀO XUÂN HỌC: Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, dân số đông, trong đó 73% sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam lại gặp rất nhiều rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai. Hàng năm, chúng ta đang phải hứng chịu tác động của lũ lụt, bão, hạn hán, triều cường... gây ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, là một trong 5 ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính tổn thất về kinh tế hàng năm do thiên tai, bão lũ gây ra tương ứng khoảng 3,6 tỷ USD.
Giờ đây, do ảnh hưởng của BĐKH, sản xuất nông nghiệp phải hứng chịu tác động cực đoan từ thời tiết thay đổi, nhiệt độ tăng cao hoặc rét đậm rét hại kéo dài, gây thiệt hại nặng cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. BĐKH sẽ làm tăng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới với cường độ mạnh hơn, đường đi cũng phức tạp và khó lường hơn. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng nước biển dâng mà theo dự báo sẽ gây ngập tới 50% diện tích đất nông nghiệp của hai vựa lúa lớn của cả nước là ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng (khoảng 2 triệu hécta lúa), gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Việt Nam được xác định là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của BĐKH. Có thể nói rằng điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên khó khăn, ngặt nghèo đòi hỏi Việt Nam phải sớm có giải pháp chủ động giảm thiểu thiệt hại.
* Hiện nay BĐKH và nước biển dâng đã ảnh hưởng tới nước ta như thế nào?
* BĐKH đã và đang ảnh hưởng rõ rệt tới sản xuất nông nghiệp của nước ta. Tại miền Bắc và Tây Nguyên, nhiều năm nay liên tục đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô. Nước các sông lớn giảm mạnh. Mùa mưa thường đến chậm hơn một tháng, lượng mưa không đều không chỉ gây khó khăn cho thủy điện mà còn cho sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh ĐBSCL đối mặt tình trạng triều cường dâng cao, nước mặn xâm nhập sâu nội đồng, có nơi vào sâu gần 70km, nước lũ khó thoát ra biển hơn, ngập nghiêm trọng hơn gây thiệt hại nặng cho nông dân. Sạt lở bờ sông ở ĐBSCL cũng xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiệt độ tăng lên cũng làm hoa trái nở không đúng mùa, thường nở sớm hơn một tháng nên ảnh hưởng lớn tới năng suất và sản lượng. Các loại dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi cũng nhiều hơn.
* Vậy giải pháp để thích ứng với BĐKH, đảm bảo sản xuất nông nghiệp ổn định là gì?
* Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đặt ra mục tiêu triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ như chương trình củng cố hệ thống đê biển ngăn mặn và triều cường, quy hoạch hệ thống thủy lợi, đầu tư cho các dự án nghiên cứu các giống cây lương thực (đặc biệt là lúa) có khả năng chịu mặn, đầu tư trồng rừng ngập mặn ven biển, xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo thiên tai hiện đại… Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp bền vững cũng phải đi kèm với hàng loạt giải pháp khác như bảo vệ 3,8 triệu hécta đất lúa, đào tạo nghề lao động nông thôn, trong đó có đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, thâm canh; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và có hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, thực hiện Chương trình thích ứng với BĐKH, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng. Rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình thủy lợi thích ứng với BĐKH, các chương trình an toàn hồ đập…
* Để ngăn chặn nước biển dâng, mặn xâm nhập sâu vào đất liền, hệ thống đê biển như hiện nay đã đủ sức đáp ứng chưa?
* Mặc dù hệ thống đê biển hiện nay cơ bản đã được hoàn thiện và kiên cố hóa nhưng để thích ứng với điều kiện BĐKH thì phải tiếp tục củng cố và nâng cấp thêm, đặc biệt cần phải nâng thêm cao trình của đê. Hiện Bộ NN-PTNT đã có hướng dẫn cho các địa phương triển khai dự án trồng cây chắn sóng ở phía ngoài đê để khi có điều kiện sẽ nâng cấp, mở rộng hệ thống đê biển gắn với mục đích sử dụng làm đường giao thông.
* Vừa qua, chúng ta đã mời các chuyên gia Hà Lan tư vấn về các mô hình thích ứng BĐKH và nước biển dâng. Vậy chúng ta có triển khai theo mô hình Hà Lan không?
* Hiện nay, giữa hai bên đang dừng lại ở bước khảo sát quy hoạch xây dựng các phương án giảm nhẹ thiên tai, thích ứng BĐKH khu vực ĐBSCL. Sau đó, hai bên sẽ ngồi lại bàn bạc rồi mới chốt lại phương án cụ thể. Hà Lan là nước có nhiều kinh nghiệm, có các mô hình thích ứng với nước biển dâng và BĐKH, đặc biệt là hệ thống đê biển ngăn nước mặn rất đáng nghiên cứu, học tập. Các chuyên gia Hà Lan sẽ khảo sát và quy hoạch các dự án chống BĐKH một cách toàn diện cho khu vực ĐBSCL, không chỉ xây dựng hệ thống đê biển ngăn nước biển dâng mà còn xây dựng một chương trình mang tính tổng thể để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.
* Cảnh khô hạn, thiếu hụt nước ngọt nghiêm trọng năm nào cũng gặp tại hai vựa lúa đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Vậy làm sao để tính đến việc đảm bảo nguồn nước tưới lâu dài cho nông nghiệp?
* Hiện nay Chính phủ cũng đang bàn thảo những phương án trữ nước ngọt ở đồng bằng để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững, chủ động trong khâu tưới tiêu. Tại ĐBSCL, từng có đề xuất xây dựng đập ở cửa sông để trữ nước ngọt, đây cũng là một giải pháp hợp lý nhưng điều kiện của chúng ta như hiện nay chưa làm được. Tuy nhiên về lâu dài, Chính phủ sẽ có những dự án cụ thể.
* Chúng ta có thể chủ động được nguồn giống để gieo trồng ngay trong điều kiện nước biển dâng hoặc khi hạn hán nghiêm trọng xảy ra không?
* Để chủ động ứng phó với BĐKH, việc nghiên cứu các giống cây lương thực đủ khả năng gieo trồng trong điều kiện nước biển dâng, bị xâm mặn hoặc hạn hán đang được triển khai. Trong chương trình hành động của Bộ NN-PTNT về thích ứng với BĐKH đã có kế hoạch nghiên cứu lại các giống lúa chịu hạn, chịu ngập... cho ĐBSCL. Các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. Đến nay, ngoài các giống lúa thích ứng với điều kiện thâm canh, chúng ta cũng đã có các bộ giống lúa thích nghi với điều kiện úng ngập (như bộ giống chịu úng: U17, U20, U21 của Viện Cây lương thực, cây thực phẩm), các giống chịu mặn (như M6, bàu tép), các giống chịu phèn như tép lai, các giống chịu hạn (như CH2, CH3, CH5, CH133 của Viện Cây lương thực, cây thực phẩm), các giống thuộc seri LC của Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam và Viện Bảo vệ thực vật… Mặc dù chưa nhiều song những loại giống này sẽ là tiền đề để các nhà chọn giống tiếp tục nghiên cứu, lai tạo giống thích ứng với điều kiện của BĐKH như có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập lụt.
PHÚC VĂN thực hiện