Ứng dụng CNTT trong phổ biển giáo dục pháp luật tại Thừa Thiên - Huế

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), mạng xã hội trong phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế thực hiện trong thời gian qua đã góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân trong tìm hiểu thông tin về pháp luật, tạo chuyển biến trong tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.


Bộ phận biên tập tại Trung tâm IOC xử lý đăng tải thông tin lên hệ thống Hue-S
Bộ phận biên tập tại Trung tâm IOC xử lý đăng tải thông tin lên hệ thống Hue-S

Truyền thông trên các nền tảng số

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác PBGDPL hiện nay đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp định hướng dư luận một cách đúng đắn, nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay.

Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế bên cạnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan báo chí thông qua “Hệ thống Mạng lưới phát ngôn” trên ứng dụng Hue-S thì hệ thống thông tin cơ sở luôn kịp thời tổ chức thông tin tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách và pháp luật đi vào đời sống. Đồng thời, quan tâm đổi mới phương thức truyền thông có ứng dụng công nghệ để tăng diện tiếp cận thông tin, đảm bảo nhanh chóng, chính xác.

Ứng dụng CNTT trong phổ biển giáo dục pháp luật tại Thừa Thiên - Huế ảnh 1 Hơn 800.000 lượt tải ứng dụng Hue-S

Việc truyền thông trên các nền tảng số được quan tâm triển khai và phát huy rất hiệu quả. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh - IOC triển khai, vận hành hệ thống thông tin, truyền thông đa kênh; sử dụng kênh tương tác chính thức là Hue-S; người dân còn được hỗ trợ nhận thông tin và tương tác thông qua các kênh như facebook, Zalo, trang tin điện tử,… Các kênh truyền thông của Trung tâm IOC dần được biết đến là một trong những kênh thông tin chính thống, kịp thời và chính xác, thu hút lượng người quan tâm, tương tác rất cao.

Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế thường xuyên chỉ đạo phối hợp với các đơn vị liên quan của ngành công an biên tập, xây dựng nội dung và thiết kế baner tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến pháp luật, được người dân phản ánh qua Hue-S; cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cảnh báo và xử lý cháy rừng, các thông tin sai lệch,… Từ đó, góp phần tuyên truyền, truyền thông cho người dân nắm bắt, nâng cao tinh thần cảnh giác; xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần quan trọng trong việc làm cầu nối đưa pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội.

Thu hút lượng người quan tâm, tương tác rất cao

Nổi bật là việc tổ chức truyền thông qua nền tảng đô thị thông minh - Hue-S là ứng dụng duy nhất trên nền tảng di động được tích hợp toàn diện, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ cho người dân lẫn chính quyền thu hút được lượng người quan tâm, tương tác rất cao. Hue-S dần trở thành một kênh cung cấp thông báo, cảnh báo một cách chính thống, kịp thời của Chính quyền đến người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm IOC, hiện đã có hơn 800.000 lượt tải ứng dụng Hue-S, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh. Năm 2021, đã có gần 17,5 triệu lượt truy cập sử dụng các chức năng trên Hue-S. Từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua chức năng “Thông báo cảnh báo” trên ứng dụng Hue-S, 20 bản tin thông báo cảnh báo tuyên truyền, PBGDPL đã được phát đi cho người dân.
Ứng dụng CNTT trong phổ biển giáo dục pháp luật tại Thừa Thiên - Huế ảnh 2 Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên-Huế

Cùng với đó là việc tổ chức truyền thông qua trang thông tin điện tử của đơn vị, với hơn 35 tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến pháp luật chuyên ngành thông tin, truyền thông. Thời gian qua, trang thông tin này đã tổ chức hàng trăm tin, bài đăng tải, phục vụ tốt cho hệ thống thông tin cơ sở nghiên cứu, tham khảo, khai thác, biên tập lại để tổ chức thông tin tuyên truyền sâu rộng ở tuyến cơ sở.

Truyền thông qua Fanpage của Trung tâm IOC với lượng theo dõi đạt trên 139.000 tài khoản. Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng cộng đã đăng tải 28 tin bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thu hút hơn 1,5 triệu lượt tiếp cận và hơn 200 ngàn lượt tương tác. Qua fanpage, đã tiếp nhận các thông tin cần hỗ trợ qua tin nhắn, bình luận, có những trường hợp phản ánh liên quan đến pháp luật đã được chuyển các đơn vị liên quan xử lý.

Ngoài ra, việc tổ chức truyền thông qua Zalo A để thường xuyên cung cấp thông tin cho toàn bộ người dùng toàn tỉnh. Hiện ZaloOA đã đạt trên 100.000 lượt quan tâm. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã đăng tải tổng cộng 25 tin bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thu hút gần 39 ngàn lượt xem. 

Ứng dụng CNTT trong phổ biển giáo dục pháp luật tại Thừa Thiên - Huế ảnh 3 Bộ phận biên tập tại Trung tâm IOC xử lý đăng tải thông tin lên hệ thống Hue-S

Tổ chức truyền thông qua Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh là cổng thông tin duy nhất để kết nối, cung cấp dịch vụ đô thị thông minh và giải quyết mối quan hệ toàn diện giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, công dân trong dịch vụ đô thị thông minh. Hiện nay, Cổng đang được vận hành tại địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn. Thông qua các sai phạm trên nhiều lĩnh vực được người người dân phản ánh trên cổng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc nhận biết sai phạm, kịp thời phòng tránh và chấp hành pháp luật.

Kịp thời đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân

Theo ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế, trong bối cảnh CNTT phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật cần đổi mới không ngừng. Đặc biệt là tăng cường ứng dụng CNTT là giải pháp tất yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

Để công tác PBGDPL đạt kết quả cao, theo ông Nguyễn Huy Hiển, cần tiếp tục nâng cao chất lượng tin bài, tăng cường ứng dụng mạng xã hội, mạng viễn thông vào công tác PBGDPL. Tăng cường các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các quy định về pháp luật.

“Cùng với đó, xây dựng các trương mục chuyên tuyên truyền, PBGDPL; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp chuyên trang PBGDPL trên các trang tin điện tử. Đồng thời, tổ chức các Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật trên các trang thông tin điện tử để góp phần tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định pháp luật cần thiết trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp luật và hình thành thói quen chủ động học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trong cán bộ và nhân dân”- ông Nguyễn Huy Hiển nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục