Ứng dụng công nghệ quản lý giao thông

Từ cuối năm 2016 đến nay, Sở GTVT TPHCM liên tục cải tổ loại hình giao thông công cộng xe buýt bằng nhiều giải pháp, trong đó có BusMap. 
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy qua khu dân cư quận Bình Thạnh. Ảnh: THÁI BẰNG
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy qua khu dân cư quận Bình Thạnh. Ảnh: THÁI BẰNG

Đây là một ứng dụng tích hợp bản đồ số thông minh, hoạt động trên các hệ điều hành di động phổ biến là Android, Windows Phone và iOS, vừa có khả năng hỗ trợ hành khách tra cứu thông tin, tìm chuyến xe buýt có lộ trình phù hợp với tuyến đường ở TPHCM, vừa cho phép hành khách theo dõi, cập nhật thời gian xe sắp đến trạm theo thời gian thực.

Sở GTVT TPHCM cũng đã phối hợp với Trường Đại học Quốc tế (Đại học quốc gia TPHCM) triển khai hệ thống quản lý giao thông thông minh tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn với vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Dự án với mục tiêu giảm kẹt xe và hỗ trợ điều tiết giao thông một cách hiệu quả nhất trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ giao lộ Ký Con - Võ Văn Kiệt đến đường Hải Thượng Lãn Ông. Theo đó, lắp đặt mới 35 camera, kết hợp với camera giao thông hiện hữu, để thu thập và thống kê dữ liệu hình ảnh các phương tiện lưu thông trên đường. Dữ liệu được Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn phân tích đánh giá chuẩn xác tình hình giao thông, từ đó điều phối thời gian đèn tín hiệu để điều tiết dòng xe. Các camera này còn giúp ghi nhận biển số các xe vi phạm luật giao thông để xử phạt. 

Những tín hiệu tích cực từ kết quả của dự án “thử nghiệm” này là cơ sở để lãnh đạo TPHCM quyết định đầu tư dự án Xây dựng công trình nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông với kinh phí 249,9 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư, nâng cấp và tích hợp các hệ thống điều khiển, giám sát, quản lý giao thông thông minh trên 200 chốt giao thông tại 78 tuyến đường chính, các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TPHCM. Dự án được triển khai làm tiền đề hình thành Trung tâm điều khiển giao thông thông minh TPHCM. Theo lộ trình thực hiện, một loạt cảm biến được lắp đặt trên mặt đường để thu thập các thông tin về luồng giao thông, sự cố hạ tầng, ngập lụt…. Các thông tin thu thập được chuyển về hệ thống máy chủ phân tích và xử lý, sau đó cung cấp trở lại cho tài xế về tình hình giao thông trên đường để tài xế chọn giải pháp tối ưu và an toàn nhất khi lưu thông.

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường sau khi kết thúc giai đoạn 1 (dự kiến cuối năm 2018), Sở GTVT sẽ thực hiện giai đoạn 2 nhằm hình thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh trên quy mô toàn TP. Khi đó, hệ thống camera giám sát, camera đo đếm lưu lượng xe, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông… sẽ phủ khắp 3.800 con đường (dài 3.600km) và 1.400 nút giao thông trên địa bàn TPHCM. Trung tâm sẽ tập trung quản lý trực tiếp toàn bộ các hệ thống điều khiển giao thông của TP, phục vụ các công tác xử lý các vi phạm; giám sát, đảm bảo an ninh trật tự đô thị; xử lý các sự cố khẩn cấp; phòng chống cháy nổ, ngập lụt… Kinh phí đầu tư dự án dự khiến khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục